Khi cơ thể đã trải qua những thay đổi ở tuổi dậy thì, chắc hẳn không ít nam giới thắc mắc khi nào thì “cậu nhỏ” của mình sẽ ngừng phát triển và liệu bộ phận này có kích thước “chuẩn” theo độ tuổi của mình hay không.
Đối với hầu hết nam giới, dương vật thường ngừng phát triển ở cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu độ tuổi 20. Khi dương vật đã đạt tới kích thước trưởng thành (phần lớn được quyết định bởi gene), sẽ rất khó để có thể thay đổi hoặc tăng tăng kích thước.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Weill Cornell Medicine (Mỹ) cho thấy khoảng 95% nam giới có “cậu nhỏ” kích thước trung bình.
Quá trình phát triển của “cậu nhỏ”
Trong suốt thời thiếu nhi, “cậu nhỏ” của nam giới thường phát triển chậm. Chỉ tới tuổi dậy thì, bộ phận này mới phát triển mạnh. Theo một nghiên cứu đăng tải trên JAMA Pediatrics (tạp chí về sức khỏe trẻ em và trẻ vị thành niên) năm 2010, dương vật đạt đỉnh điểm phát triển trong độ tuổi từ 12-16.
Cơ quan này thường tăng chiều dài và chu vi cùng một lúc. Đối với đại đa số nam giới, dương vật sẽ ngừng phát triển kích thước vào cuối độ tuổi thiếu niên.
Trong khi đó, tinh hoàn thường bắt đầu phát triển ở độ tuổi từ 8-9 và phát triển nhanh nhất ở độ tuổi từ 11-15.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “cậu nhỏ” ở mỗi người là khác nhau, tùy theo thời điểm dậy thì.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine, “cậu nhỏ” thường ngừng phát triển trong vòng từ 4-6 năm sau khi tinh hoàn phát triển. Điều đó có nghĩa là “cậu nhỏ” thường phát triển đầy đủ ở độ tuổi từ 18-21.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của “cậu nhỏ”
Kích thước dương vật hầu hết là do di truyền. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng đối với chiều dài và chu vi của “cậu nhỏ”. Các yếu tố này bao gồm:
Nội tiết tố, đặc biệt là testosterone, ảnh hưởng đến mức độ phát triển của dương vật trong tuổi dậy thì. Những người có mức testosterone thấp hơn có thể có dương vật nhỏ hơn.
Nam giới có thể tăng mức testosterone tự nhiên qua chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao. Không chỉ ảnh hưởng tới kích thước dương vật, testosterone còn liên quan tới chức năng cương dương.
Các hóa chất ảnh hưởng tới nồng độ hormone. Những hóa chất này được gọi là chất gây rối loạn nội tiết và có thể ảnh hưởng đến kích thước dương vật.
Đặc biệt, các hóa chất là hợp chất perfluoroalkyl (PFC) đã được chứng minh là có thể ảnh hưởng đến mức testosterone trong cơ thể, từ đó khiến dương vật nhỏ hơn. Phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với PFC có thể sinh con có “cậu nhỏ” ngắn hơn.
Tuổi tác cũng là yếu tố ảnh hưởng tới kích thước “cậu nhỏ”. Các nhà nghiên cứu tìm thấy sự khác biệt nhỏ về kích thước dương vật giữa nam giới ở độ tuổi 20 và 70. Theo đó, sự khác biệt chỉ dưới 1cm.
Có thể thay đổi kích thước “cậu nhỏ” không?
Một số thay đổi trong lối sống có thể tác động tới kích thước “cậu nhỏ”. Một nghiên cứu đăng tải trên Andrologia vào năm 2021 cho thấy những người bị thừa cân, béo phì có thể có “cậu nhỏ” ngắn hơn do một phần của cơ quan này bị mỡ che lấp.
Do đó, việc giảm cân sẽ giúp giảm mỡ quanh gốc dương vật và giúp cơ quan này nhìn trông dài hơn.
Việc không “dọn cỏ” cũng có thể khiến bộ phận nhạy cảm này có vẻ ngắn hơn.
Kích thước “cậu nhỏ” bao nhiêu là bình thường?
Medical News Today trích dẫn một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy chiều dài trung bình “cậu nhỏ” của nam giới ở trạng thái cương cứng là khoảng 12,9-13,9cm. Tuy nhiên, ở trạng thái bình thường, kích thước “cậu nhỏ” nhỏ hơn thế.
Rất nhiều nam giới lo lắng về kích thước ‘cậu nhỏ” và mất sự tự tin với bản thân. Mặc dù có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có thể tăng kích thước của “cậu nhỏ”, nhưng hầu hết đều chưa được chứng minh.
Do đó, nam giới tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này. Nếu lo lắng về kích thước “cậu nhỏ” của mình, hãy tới gặp các chuyên gia, nhà trị liệu về tình dục hoặc bác sĩ nam khoa để được giải đáp.
Nguồn: Very Well Health, Medical News Today
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận