Khách hàng quẹt thẻ trả tiền taxi thông qua hệ thống POS chấp nhận mọi loại thẻ |
Nhiều chia sẻ thẳng thắn trong hội thảo Thanh toán trong giao thông tại châu Á - Thái Bình Dương ngày 6/6 đã cho Việt Nam kinh nghiệm đáng quý.
Đi làm: Chỉ cầm điện thoại và chìa khóa
Ông David Maitland đến từ Go Ahead Retail Sevices (Vương quốc Anh), đơn vị đang điều hành 35% mạng lưới giao thông, trong đó có 25% xe buýt tại London cho biết, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, việc đầu tiên của ông là mở điện thoại và cầm chìa khóa cửa chứ không phải phải kiểm đếm tiền trong ví bởi ông cho biết, không còn tiền mặt ở London nữa. Ông David giải thích, trong điện thoại của ông đã cài sẵn các ứng dụng, trong đó có các ứng dụng riêng cho lĩnh vực giao thông như busapp dành riêng cho đi xe buýt, googleapp dùng chung cho các phương tiện giao thông công cộng…
“Việc dùng các ứng dụng này sẽ cho người dùng biết mất bao nhiều thời gian và tốn bao nhiêu tiền để khách hàng lựa chọn cách hiệu quả nhất và rẻ nhất để dịch chuyển”, ông David nói và cho biết thêm, như vậy sẽ không còn tình trạng lậu vé hay tính tiền quá lên cho khách hàng. Để trả tiền cho chuyến đi, có một cách thức thanh toán là dùng thẻ EVM hoặc thanh toán bằng hệ thống cảm ứng ngay trên điện thoại mà khách hàng không cần quẹt hay chạm thẻ/điện thoại vào thiết bị đọc. Việc thanh toán dựa trên tài khoản có sẵn, hầu hết các tài khoản này là trả trước, khách hàng chỉ cần nạp 20 hoặc 30 bảng Anh đề phòng tình trạng mất thẻ sẽ không bị mất lượng tiền lớn.
Nếu khách hàng dùng hình thức thanh toán này, giá vé sẽ rẻ bằng 1/2 so với việc mua vé bằng giấy tại quầy. Vì nếu mua vé tại quầy, giá là 7 bảng Anh/vé, nhưng khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ EVM, giá vé chỉ còn 3,5 bảng Anh/vé. Còn nếu dùng thẻ thanh toán thông minh (liên thông thanh toán các dịch vụ bán lẻ khác), giá vé chỉ còn 1,75 bảng Anh/vé. “Hình thức này giúp giảm chi phí khi đóng bớt quầy bán vé, giảm chi phí xử lý dữ liệu thanh toán”, ông David nói.
Còn tại Nhật Bản, ông Tomoshiko Umekawa đến từ Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản cho biết, họ đã tích hợp được việc thanh toán của 10 loại thẻ sử dụng cho các dịch vụ giao thông công cộng và các dịch vụ bán lẻ khác. Nếu khách hàng không muốn dùng thẻ có thể dùng điện thoại với vỏ bao tích hợp dữ liệu ngân hàng để thanh toán qua công cụ googlepay. Ông Tomoshiko cho biết, đến nay công ty đường sắt vận hành trên 1/2 diện tích Nhật Bản này đã có gần 500 triệu khách hàng với 70 triệu giao dịch/ngày và số lượng này đang gia tăng nhanh chóng.
Vé điện tử liên thông nhiều thách thức
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Hà Nội sẽ triển khai vé điện tử liên thông để tiến tới người dân chỉ dùng một loại thẻ cho các loại hình giao thông công cộng khác nhau. Nhưng Hà Nội hiện có ba dự án đường sắt và hệ thống xe buýt với các hình thức thanh toán riêng biệt, công nghệ thẻ khác nhau. Chính vì thế, thách thức của Hà Nội là chuyển hệ thống vé liên thông như thế nào trong khi chưa có chuẩn bị gì về kỹ thuật, chưa có quy chuẩn công nghệ.
Đại diện Sở GTVT TP HCM cũng cho biết, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, họ đều đi theo lộ trình hai bước là tạo ra thẻ dùng chung hệ thống giao thông công cộng, sau đó tích hợp các hệ thống bán lẻ vào thẻ dùng chung đó để tiện ích cho người dân.
“Tôi thấy ứng dụng vé thông minh rất hữu hiệu. Chúng tôi còn những dịch vụ khác như thu phí xe vào nội đô…, thì tích hợp với vé liên thông là yếu tố quan trọng”, đại diện Sở GTVT TP HCM nêu vấn đề sau khi nghe kinh nghiệm từ các nước.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó TGĐ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết: Tỷ lệ thanh toán trong lĩnh vực giao thông ngày càng tăng cao. “Trong khuôn khổ định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chúng tôi phát triển bộ Thông số Thẻ thanh toán trên nền tảng công nghệ Chip tại Việt Nam (VCCS). Ngoài đáp ứng cho ngành ngân hàng, còn ứng dụng trong các lĩnh vực khác”, ông Minh thông tin. Đặc biệt, từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, NAPAS cùng với đối tác đã ứng dụng thẻ này trong lĩnh vực giao thông và đã cho kết quả. Cụ thể, NAPAS thực hiện chuyển mạch về ngân hàng phát hành, ghi nhận thông tin hành khách xuất hiện tại các điểm cổng, kiểm soát hành khách trong giao thông, kết quả là thực hiện thành công tính phí và tính tiền các quãng đường khác nhau; đồng thời thực hiện tốt xử lý thẻ hết hạn, không hợp lệ.
Tương lai nào cho Việt Nam?
Đáng chú ý, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ thẻ công nghệ từ sang thẻ công nghệ chip nên ông Minh cho rằng: Nếu có chuẩn bị và phối hợp tốt giữa ngành ngân hàng và giao thông, nhân việc này có thể bổ sung các ứng dụng thanh toán và chuẩn hóa các thẻ VCCS trong giao thông để tiết kiệm chi phí xã hội và tính sẵn sàng của người dân sử dụng thẻ trong lĩnh vực giao thông công cộng, bởi dự án giao thông công cộng tại Việt Nam đang triển khai và chuẩn bị đưa vào khai thác.
“Đây là cơ hội đặc thù và hiếm có tại Việt Nam”, ông Minh nói. Bởi, các quốc gia phát triển đã chuyển đổi xong thẻ từ sang thẻ chip từ lâu rồi và trong lĩnh vực giao thông cũng đã triển khai lâu dài nên đôi khi việc thực hiện nâng cấp các đầu đọc, thiết bị kiểm soát hành khách khó khăn. Còn với Việt Nam, đây là thời điểm bắt đầu thực hiện nên nếu các bên phối hợp tốt sẽ đem lại lợi ích tổng thể cho các nhà vận hành giao thông và tổ chức phát hành thẻ. “NAPAS đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho thị trường và các ngân hàng cũng đáp ứng nhu cầu thanh toán ở các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông”, Phó TGĐ NAPAS khẳng định.
Ông Phạm Trường Giang, Phó trưởng Phòng Phát triển thanh toán, Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Theo quy định hiện nay, với các thẻ đang thanh toán trong ngành giao thông phát hành, sử dụng nội bộ, NHNN không quản lý nếu thẻ đó không được sử dụng như phương tiện thanh toán bên ngoài. “Thực ra, nếu sử dụng thẻ ngân hàng thanh toán dịch vụ giao thông sẽ tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí mua vé, chi phí đi lại… Đồng thời, khuyến khích người dân không dùng tiền mặt, phù hợp chiến lược không dùng tiền mặt của Chính phủ; khuyến khích các ngân hàng đổi mới và tăng thêm tiện ích thẻ trong thanh toán điện tử, phục vụ nhiều ngành nghề, trong đó giúp ngành giao thông quản lý việc phát triển thanh toán trong giao thông và minh bạch thu phí giao thông”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, về phía NHNN đang dự thảo ban hành quy chế áp dụng thẻ nội địa nhằm gia tăng tiện ích. NHNN đã giao NAPAS và các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp thẻ chỉnh sửa nâng cấp thiết bị. “Tại đề án không dùng tiền mặt đến năm 2020, Chính phủ cũng giao NHNN làm đầu mối phối hợp Bộ Tài chính, GTVT, Công thương, Y tế, GD&ĐT phát triển mạnh thẻ ngân hàng, trong đó tăng cường khuyến khích phát triển tính năng thẻ thanh toán đa năng đa dụng như mua vé xe buýt, trả viện phí… Chúng tôi mong muốn thời gian tới, ngành ngân hàng và ngành giao thông phối hợp nhận diện vướng mắc, sớm thống nhất chuẩn trong lĩnh vực thanh toán”, ông Giang đề xuất.
Hiện, Việt Nam có tổng số thẻ phát hành trên 100 triệu thẻ, trong đó 76 triệu thẻ đã kích hoạt. Hiện nay, số lượng, tốc độ chấp nhận thanh toán tại Việt Nam tăng nhanh với 250 nghìn điểm chấp nhận thanh toán (POS), trên 17 nghìn máy ATM. Việt Nam cũng đang có 20 trung gian thanh toán được cấp phép, hơn 10 ví điện tử, 40 ngân hàng kết nối với NAPAS. Theo kế hoạch được NHNN đặt mục tiêu chuyển thẻ từ sang thẻ chip vào ngày 31/12/2020, đây là cơ sở các NH và NAPAS thực hiện chuyển đổi cho toàn thị trường. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận