Hàng không

Khi nào mở lại đường bay quốc tế?

31/03/2021, 08:15

Cục Hàng không VN vừa báo cáo Bộ GTVT kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam.

img

Dự kiến từ tháng 7/2021, các chuyến bay thường lệ chở khách (có xét nghiệm âm tính với Covid-19) vào Việt Nam sẽ cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài). Ảnh: Thanh Bình

Triển khai 3 giai đoạn

Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam được Cục Hàng không VN đưa ra trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước nhằm phục vụ “mục tiêu kép” và đáp ứng nhu cầu đi lại của công dân. Theo đó, việc khôi phục trở lại được các cơ quan này thận trọng chia làm 3 giai đoạn.

Cục Hàng không VN cho biết, giai đoạn đầu sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam. Cụ thể, các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và tiền ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly…

Từ cuối tháng 3/2020 cho đến nay, toàn bộ các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ đi/đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi có thể chở khách, chở hàng tùy theo nhu cầu của hãng hàng không (tuy nhiên chiều vào Việt Nam chỉ chở hàng, không được phép chở khách). Hành khách là công dân Việt Nam hay nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế đều có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và có phương án cách ly 14 ngày.
Với việc kiểm soát chặt chẽ nêu trên, trong số hơn 142 nghìn người đã nhập cảnh qua đường hàng không của cả hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài (tính từ tháng 4/2020 - 2/2021), chưa có bất kỳ trường hợp nào hành khách nhập cảnh sai quy định, toàn bộ đều được cách ly theo phương án đã được phê duyệt.


Cơ quan này cũng đề nghị triển khai ngay đồng thời với các chuyến bay giải cứu công dân do Chính phủ tổ chức với tần suất căn cứ theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương.

“Các chuyến bay sẽ chỉ được cấp phép sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nêu.

Bắt đầu từ tháng 7/2021, việc khôi phục các đường bay quốc tế sẽ được chuyển sang giai đoạn 2: Triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19).

Các chuyến bay này trước mắt sẽ thực hiện trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Để thực hiện, hãng hàng không phải đệ trình kế hoạch bay phải bao gồm phương án tiếp nhận khách cách ly được phê duyệt của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay.

Như vậy, tổng số lượng chuyến bay hàng tuần có chở khách vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 24 chuyến bay/tuần với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 - 7.000 hành khách/tuần.

Giai đoạn 3 dự kiến từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội), Cục Hàng không VN sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Thị trường triển khai được xác định là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Theo đó, sẽ không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR trong thời gian 3 - 5 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với loại vaccine phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại Việt Nam.

Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7 - 14 ngày (theo hướng dẫn của Bộ Y tế); Hành khách không có đủ giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế phải cách ly đủ 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói (tương tự chuyến bay combo).

Các nước đang triển khai “hộ chiếu vaccine” thế nào?

img

Cục Hàng không VN cho biết, giai đoạn đầu sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam (Trong ảnh: Hành khách trở về từ Hàn Quốc làm thủ tục tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh)

Khái niệm “hộ chiếu vaccine” được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng dưới dạng một tài liệu mang theo người hoặc thông tin được công bố trực tuyến để xác nhận tình trạng đã được tiêm chủng của một cá nhân để cá nhân đó được tự do đi lại, thoát khỏi các yêu cầu cách ly sau khi nhập cảnh như các nước đã áp dụng thời gian qua.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên công nhận việc áp dụng kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để dỡ bỏ mọi hạn chế, yêu cầu về cách ly đối với người đã được tiêm chủng khi di chuyển trong nội địa Trung Quốc.

Kết quả tiêm chủng này đã được đưa vào một ứng dụng để người dân phối hợp khai báo với chính quyền. Tuy nhiên, “hộ chiếu vaccine” này của Trung Quốc mới áp dụng cho những người đã tiêm 1 trong 4 loại vaccine do Trung Quốc sản xuất. Hộ chiếu này chưa nhận được sự công nhận, tham gia của bất kỳ đối tác nào khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Đối với Hoa Kỳ và châu Âu, cơ quan quản lý cũng ủng hộ giải pháp áp dụng “hộ chiếu vaccine” tuy nhiên, hiện vẫn đang vướng mắc để thống nhất cùng áp dụng tính hiệu quả trong phòng dịch của một hay nhiều loại vaccine phòng Covid-19.

Được biết, ngoài “hộ chiếu vaccine”, còn có ứng dụng IATA Travel Pass - ITP. Đây là ứng dụng điện thoại thông minh giúp hành khách lưu trữ và quản lý kết quả xét nghiệm Covid-19 hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19, được phát triển như một công cụ hỗ trợ hữu hiệu để giúp các Chính phủ trong việc mở cửa biên giới lại một cách an toàn nhờ khả năng kết nối, trao đổi các thông tin cá nhân về y tế của hành khách.

Hiện nay, do quy định, yêu cầu về sức khỏe của mỗi quốc gia đối với hành khách nhập cảnh có sự khác biệt và phân mảnh, đồng thời đã xuất hiện tình trạng hành khách làm giả giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19, ITP là giải pháp tổng hợp giúp cho các cơ quan có thẩm quyền, hãng hàng không, hành khách tiếp cận được với các nguồn thông tin chính thống và xác thực được nguồn gốc của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm/tiêm chủng.

Ngoài ra, ITP được phát triển bởi Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, là tổ chức đại diện cho 269 hãng hàng không của 112 quốc gia chiếm 83% khối lượng vận chuyển trên thế giới, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sáng kiến của Tổ chức Hàng không Thế giới ICAO.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:
Không phải cứ tiêm đủ mũi vaccine là có kháng thể trong người

Với giai đoạn 3 như đề xuất, Thủ tướng và Phó Thủ tướng mới giao Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đưa ra tiêu chí cụ thể để áp dụng khi có quy định “hộ chiếu vaccine”. “Hộ chiếu vaccine” bản chất là giấy chứng nhận đã tiêm đủ số mũi vaccine Covid-19 theo quy định. Còn đối tượng được tiêm không phải 100% có khả năng sinh kháng thể, miễn dịch sau khi tiêm. Bên cạnh đó, thời gian duy trì miễn dịch mới chỉ được các nhà sản xuất vaccine đưa ra, dự kiến 6 tháng, còn các cơ quan chuyên môn của Việt Nam vẫn chưa đánh giá được cụ thể, đang cần tiếp tục nghiên cứu.

Theo công bố hiện nay, tỷ lệ bảo vệ sau tiêm vaccine Covid-19 mới đạt 80%, trong khi ai đã được tiêm đủ mũi đều được cấp “hộ chiếu vaccine”. Như vậy, không phải cứ có “hộ chiếu vaccine” đồng nghĩa với có kháng thể trong người. Nếu đối tượng nhập cảnh rơi vào con số không kháng thể thì dễ mất an toàn. Hiện, chúng tôi cố gắng đưa ra phương án tối ưu nhất có thể bởi mục tiêu đặt ra hàng đầu vẫn là phòng chống dịch và an toàn.

Hoàng Vân (Ghi)

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam:
Thay vì cách ly 14 ngày, nên bố trí khách vàotổ hợp du lịch lớn

Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện là 3 thị trường thuận lợi nhất để thí điểm mở đường bay quốc tế. Tuy nhiên, với quy định cách ly 14 ngày tại nơi cư trú, sẽ gây khó cho ngành du lịch, vai trò của “hộ chiếu vaccine” không còn ý nghĩa. Thực tế, Thái Lan đã áp dụng quy định này và kết quả không có khách du lịch.

Do đó, ngành du lịch đề xuất, một khi giữa các nước hợp tác thí điểm đã có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về việc tiêm vaccine phòng Covid-19, thay vì quy định cách ly 14 ngày, để đảm bảo an toàn trong giai đoạn đầu, nên bố trí khách tại một số địa phương có những tổ hợp du lịch lớn với đầy đủ dịch vụ để khách có thể sinh hoạt nội khu dưới sự giám sát thực hiện theo quy định 5K. Nếu không vấn đề gì, giai đoạn sau sẽ mở diện rộng hơn theo từng lộ trình.

Hoàng Ngân (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.