Đường thủy

Khi nào phà Kênh Tắt hết cảnh ùn tắc?

04/08/2022, 17:15

Từ khi bị chia cắt thành xã đảo, việc đi lại của người dân Trà Vinh vốn đã khó khăn nay lại càng khổ sở hơn vì chịu cảnh kẹt phà, ùn ứ…

Khổ sở vì “lụy phà”

Tháng 1/2016, dự án "Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu" chính thức được thông luồng kỹ thuật. Từ đó, đã tạo nên cột mốc mới: mở luồng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn vơi tải và các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp chuẩn tắc luồng vào các cảng trên sông Hậu.

Đáp ứng thông quan hàng hóa tổng hợp từ 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm giai đoạn 2020.

img

Bến phà Kênh Tắt đang ùn ứ nghiêm trọng.

Trước đó, để thông luồng kỹ thuật, ngành chức năng đã phải cắt QL53 và đê Hải Thạnh Hòa. 4 địa phương vốn là đất liền thuộc huyện Duyên Hải (thị trấn Long Thành và 3 xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải) đã bị chia cắt thành “xã đảo”.

Từ đó đến nay, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân thuộc 4 xã này bị xáo trộn nghiêm trọng. Trước đây, việc giao thương, đi lại của người dân chủ yếu theo hướng QL53 và TL913. Nhưng nay đã bị cô lập hoàn toàn.

Bà con phải đi qua phà, cước vận chuyển hàng hóa tăng cao, thời gian đi lại cũng bị ảnh hưởng lớn.

Thời gian gần đây, tần suất và quy mô hoạt động của các bến phà rất thấp. Trong khi lượng người và phương tiện qua lại rất cao, đã thường xuyên tạo ra cảnh ùn tắc nghiêm trọng.

Tài xế xe tải Lê Tấn Tài, ở thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải cho biết: “Tui chạy xe tải chở hàng hóa qua lại phà Kênh Tắt từ 3-4 chuyến/ngày. Nhưng gần đây tình trạng quá tải ở bến phà quá thường xuyên diễn ra.

Có khi phải mất 2-3 tiếng đồng hồ mới được qua phà. Phải chen chúc trong cảnh chờ đợi rất mệt mỏi”.

img

Phà Kênh Tắt luôn quá tải.

Còn ông Dương Văn Minh, cũng ở thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải nói: “Trước đây, bến phà này có phà tải trọng 100 tấn, nhưng nay chỉ có 2 phà 60 tấn hoạt động.

Do phà có tải trọng nhỏ, chỉ đủ phục vụ cho các xe ô tô và tải nhẹ, hành khách qua lại. Nếu các xe thi công công trình như xe trộn bê tông, chở vật liệu xây dựng... qua lại thì tình trạng ùn tắc kéo dài hơn”.

Anh Dương Minh Dứt, ngụ ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, cho biết: “Từ khi nơi này bị chia cắt, việc tiêu thụ nông sản của người dân khó trăm bề.

Cứ tới mùa thu hoạch, thương lái viện lý do “cách trở đò sông” để ép giá. Nay gặp thêm cảnh đợi phà càng đội thêm chí phí, gây tốn kém thời gian, tiền của”.

Còn anh Trần Văn Điền, ngụ cùng địa phương thở dài: “Bây giờ việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản khó đủ đường. Nông dân vốn đã nghèo khó nay càng thêm khổ, chỉ mong sao việc đi lại được thông suốt như ban đầu”.

Cấp thiết bổ sung phà mới

Theo Sở GTVT tỉnh Trà Vinh, từ khi chia cắt QL53, tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 bến phà để phục vụ việc đi lại, và miễn thu tiền nhằm hỗ trợ người dân.

Trong đó, phà Kênh Tắt thuộc QL53, nối thị xã Duyên Hải qua 4 "xã đảo". Thứ hai là phà Láng Sắt, cũng thuộc QL53 nối 4 "xã đảo" về huyện Trà Cú. Thứ ba là phà Kênh Sáu.

Trong số này, tại các bến Kênh Tắt và Láng Sắt sử dụng phà 100 tấn, nên có thể tiếp nhận các xe có tải trọng lớn từ 25 tấn. Còn phà Kênh Sáu là phà nhỏ với tải trọng đáp ứng chỉ 3,5 tấn, chủ yếu phục vụ đi lại của người dân.

Tuy nhiên, gần đây, đồng loạt các phà đã hết niên hạn sử dụng. Số phà hoạt động còn lại rất ít, đã dẫn đến tình trạng không thể đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân, gây ra cảnh ùn tắc mỗi ngày.

Theo ghi nhận của PV, khu vực 4 xã đảo ở Duyên Hải với hầu hết người dân sống bằng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

img

Các phương tiện lưu thông sau khi rời phà Kênh Tắt.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Qua ghi nhận thực tế, bến phà Kênh Tắt được bố trí 2 chiếc phà (1 phà 100 tấn, 1 phà 60 tấn), còn bến phà Láng Sắt được bố trí 1 chiếc phà 60 tấn.

Vào giờ cao điểm, các ngày lễ, Tết tình trạng ùn tắc rất nghiêm trọng.

Trước nhu cầu bức xúc và phản ảnh của người dân, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường điều tiết, bổ sung phà cho các bến nhằm đảm bảo nhu cầu lưu thông của người dân".

Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ GTVT có thông tin phản hồi về việc trên và đang triển khai thực hiện đóng mới phà để thay thế các phà thuộc cụm phà Vàm Cống đã hết niên hạn.

Theo thông tin tỉnh nắm được, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành đóng mới 2 phà. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ IV ưu tiên điều động bổ sung khẩn cấp 2 phà này cho bến phà Kênh Tắt để đảm bảo nhu cầu lưu thông của người dân.

Ngoài việc đề xuất bổ sung khẩn cấp 2 phà nêu trên, UBND tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan. Tiếp tục hoàn thành công tác đóng mới các phà và bố trí đủ phà cho các bến phà trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Quyết định số 208/QĐ-BGTVT ngày 19/2/2020 của Bộ GTVT ban hành định mức sử dụng phương tiện phà, ca nô tại các bến phà thuộc cụm phà Vàm Cống đến năm 2025.

Trong đó, bến phà Đại Ngãi là 2 phà 200 tấn, 6 phà 100 tấn, 1 ca nô 239 CV; bến phà Kênh Tắt là 3 phà 100 tấn, 1 ca nô 239 CV; bến phà Láng Sắt là 1 phà 100 tấn, 3 phà 60 tấn, 1 ca nô 239 CV…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.