Dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường vận tải hàng không nội địa khôi phục mạnh sau bỏ giãn cách xã hội, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều thời gian trước khi có thể mở lại đường bay quốc tế.
Nghiên cứu mở dần với từng nước
Số liệu thống kê của Cục Hàng không VN, từ ngày 8/5/2020, dù các hãng hàng không trong nước đã được phép khôi phục toàn bộ hoạt động mở bán, khai thác đường bay nội địa, song hoạt động khai thác hiện chỉ bằng 50 - 60% so với giai đoạn trước dịch. Sản lượng vận chuyển ước đạt 400 nghìn khách/tuần so với 750 - 800 nghìn khách/tuần thời điểm trung bình năm 2019. Hệ số sử dụng ghế cũng thấp hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 75% so với con số 83 - 84% của năm ngoái.
Cũng theo Cục Hàng không VN, trong hoạt động hàng không, thị trường vận chuyển nội địa và quốc tế luôn có sự phụ thuộc nhất định. Dù thị trường nội địa đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng trong điều kiện còn hạn chế quốc tế, thị trường nội địa hàng tháng cũng chỉ đạt 60 - 80% so với cùng kỳ 2019 giai đoạn 6 tháng cuối năm.
“Đối với thị trường quốc tế, theo đánh giá, thị trường chỉ có thể dần khai thác trở lại từ quý IV/2020”, Cục Hàng không VN nhận định và cho biết đang theo dõi tình hình dịch bệnh tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, các thông tin hướng dẫn của ICAO để có phương án mở cửa phù hợp.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện trên thế giới, một số quốc gia đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble, Travel corridor...). Theo đó, những quốc gia/vùng lãnh thổ đã có kết quả kiểm soát dịch Covid-19 mang tính khả quan sẽ từng bước mở việc đi lại với nhau. Một số nhóm đi lại an toàn đang được nghiên cứu thực hiện có thể kể đến như: Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Israel, Hy Lạp, Síp, Estonia, Latvia, Litva...
“Trước mắt, có thể nghiên cứu việc mở dần với từng quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc tham gia từng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble) nhưng mới hạn chế chỉ ở nguồn khách đi lại trực tiếp trong nội vùng, chưa cho phép vận chuyển khách nối chuyến từ các nước thứ 3 ngoài vùng để đảm bảo việc kiểm soát nguồn khách”, Cục Hàng không VN đánh giá.
Hướng tới thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á
Thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á là gợi ý của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khi nói về việc bầu trời “mở cửa” trở lại, khơi thông bế tắc cho ngành du lịch, kinh tế. “Cầu nội địa phát triển tốt là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu”, ông Nghĩa nói và cho biết, Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh, vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á.
Theo Cục Hàng không VN, dự báo thị trường hàng không năm 2020 giảm 46% so với năm 2019, tăng dần vào 2021 và đến năm 2022 mới đạt mức xấp xỉ năm 2019 là 78 triệu lượt hành khách vận chuyển.
“Sau Đông Bắc Á là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu nhằm phát triển du lịch. Có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam”, ông Nghĩa gợi ý và cho biết, hiện Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.
Phía các hãng hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết: Vietnam Airlines đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không VN cấp phép. “Hiện Vietnam Airlines đã khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội/TP HCM đi Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 5 chuyến/tuần, dự kiến tăng lên 14 chuyến/tuần từ tháng 7. Từ tháng 7, hãng cũng sẵn sàng khai thác các đường bay Nhật Bản, Hồng Kông…
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định: “Đường bay quốc tế đầu tiên mà Bamboo sẽ mở lại sau dịch là Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc), Đài Loan, kế đó là đường bay tới Nhật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận