Hỏi:
Tôi nghe nói có vaccine phòng ung thư cổ tử cung, vậy con gái tôi 10 tuổi đã có thể tiêm được chưa, thưa bác sĩ?
Trần Huyền (Hà Nội)
Ảnh minh họa
Bác sĩ CKII, Nguyễn Thị Minh Thanh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trả lời:
Ung thư cổ tử cung thực sự là một gánh nặng bệnh tật ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý và xã hội đối với phụ nữ, tuy nhiên việc phòng bệnh lại không quá phức tạp và khó khăn nếu chị em phụ nữ có kiến thức và ý thức về cách phòng ngừa.
Theo nghiên cứu thì ung thư cổ tử cung 80% là do nhiễm virus papilloma hay còn gọi là HPV. HPV (Human papillomavirus) là loại virus phổ biết gây nhiễm cho cả nam giới và phụ nữ.
HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm âm đạo, hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp trung bình là 40%. Ở phụ nữ, nguy cơ nhiễm HPV trong 10 năm đầu tiên sau giao hợp là 25%, trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%. Hiện nay vaccine là cách phòng bệnh sớm, hiệu quả nhất.
Đối với nữ giới: Vaccine được tiêm cho bé gái từ 9-12 tuổi nhưng cũng có thể sử dụng cho phụ nữ 26 tuổi mà chưa tiêm vaccine lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine khi còn nhỏ.
Đối với nam giới: Vaccine được tiêm cho bé trai từ 11-12 tuổi đồng thời cũng có thể sử dụng cho nam giới 21 tuổi nếu chưa tiêm vaccine lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine khi còn nhỏ. Vaccine cũng được đề nghị với nam giới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận