Giao thông

Khi ngành Đường thủy tự “gây áp lực” để bứt phá

01/01/2016, 07:30

Ngành Đường thủy đã thay đổi đáng kể từ tư duy quản lý đến hành động trong việc tạo ra lề lối làm việc...

17

Cục Đường thủy nội địa VN đã và đang tăng cường quản lý, giám sát việc thực thi công vụ của lực lượng quản lý (Trong ảnh: Cục trưởng Hoàng Hồng Giang (đầu tiên từ trái qua) kiểm tra luồng tuyến sông Hồng trong mùa lũ)

Ngành Đường thủy đã thay đổi đáng kể từ tư duy quản lý đến hành động trong việc tạo ra lề lối làm việc hiện đại, đặt nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển GTVT đường thủy, cạnh tranh với các lĩnh vực khác.

Tạo áp lực bộ máy để đạt hiệu quả công việc

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN cho biết, ngay từ đầu năm 2015, ngành Đường thủy đặt quyết tâm tạo sự đột phá mạnh mẽ từ trong tư duy quản lý của bộ máy, tạo sự thay đổi toàn diện cho lĩnh vực vốn được coi là kém sôi động này. Trong đó, mục tiêu ưu tiên là đưa Luật Giao thông ĐTNĐ (sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 1/1/2015) vào cuộc sống hiệu quả nhất, đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng và năng lực vận tải thủy, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa điều đó, lãnh đạo Cục ĐTNĐ quyết tâm đổi mới trước hết từ tổ chức lại bộ máy và cung cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng năng động, hiện đại hóa. PV Báo Giao thông trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp, chuyến công tác thực địa của lãnh đạo Cục này và chứng kiến, từ lãnh đạo đến các phòng, ban, chuyên viên đều chịu áp lực chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc trước hoặc đúng hạn.

"Chúng tôi đã và đang quyết liệt tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính… vì sự hài lòng hơn của doanh nghiệp, người dân và thu hút đầu tư vào lĩnh vực đường thủy."

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN

Tiêu chí công việc được thực hiện theo nguyên tắc “bất vị thân”, thông qua phần mềm quản trị văn phòng điện tử với việc tự động thống kê hoàn thành công việc của tất cả các bộ phận, từ lãnh đạo Cục đến phòng, ban, cá nhân. Ngay cả các đơn vị trực thuộc, dù ở xa cũng được kiểm soát thông qua hệ thống báo cáo công việc trực tuyến. Điều này, tạo áp lực cho toàn bộ máy, nhưng lại giải quyết được khối lượng lớn công việc đúng hoặc vượt tiến độ.

Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng cho biết, năm qua, Cục đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Bộ GTVT giao; Rà soát toàn bộ 88 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và loại bỏ được 13 thủ tục, gộp 33 thủ tục xuống còn 12, phân cấp cho địa phương ba thủ tục. Cục cũng quán triệt, giám sát các đơn vị, bộ phận tạo điều kiện dễ dàng nhất để doanh nghiệp, người dân thực hiện thủ tục hành chính. Nhờ đó, không có hồ sơ nào trong số hơn 228.500 hồ sơ thủ tục hành chính được gửi đến ngành trong 11 tháng năm 2015 bị quá hạn giải quyết.

Kết quả nổi bật khác là giữa tháng 12/2015 vừa qua, ngành Đường thủy đã chính thức tiếp nhận, trả kết quả trực tuyến một cửa bốn thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia và 21 thủ tục khác qua Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, vượt 8 lần kế hoạch (ba thủ tục) đề ra đầu năm.

18

Trục vớt, bảo trì phao tiêu trên luồng đường thủy tại TP HCM

Khởi sắc vận tải, siết chặt quản lý theo luật

Những đổi mới của ngành Đường thủy trong năm qua đều hướng đến mục tiêu chung là tăng sức hấp dẫn của lĩnh vực GTVT đường thủy, phát huy lợi thế vận tải giá rẻ, an toàn và tạo sự cạnh tranh với các lĩnh vực khác. Năm qua, với việc các dự án cải tạo hành lang đường thủy phía Bắc, phía Nam thuộc dự án WB5, WB6 hoàn thành trước, theo tiến độ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh - Kiên Giang đã tạo sự tăng trưởng đáng kể sản lượng vận tải thủy.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt hơn 123 triệu người, tăng 3,9% so với năm trước; Vận chuyển hàng hóa đạt 160,2 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó, tuyến vận tải pha sông biển đã trở thành tuyến vận tải thủy xuyên Việt, với hơn 700 phương tiện tham gia và đã vận chuyển hơn 5,2 triệu tấn hàng hóa các loại.

Vận tải khởi sắc, nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đường thủy (cảng bến, cải tạo luồng tuyến, cửa sông…) cũng có những tín hiệu tích cực, với gần chục dự án giá trị từ vài trăm đến chục nghìn tỷ đồng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để triển khai, như cải tạo luồng sông Sài Gòn, kênh Chợ Gạo, cửa sông Trà Lý, sông Thao…

Hạ tầng vận tải đường thủy trong những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc khi ngành Đường thủy đã tách chức năng quản lý Nhà nước với dịch vụ bảo trì, và chuẩn bị thí điểm đấu thầu quản lý bảo trì. Việc làm này sẽ nâng hiệu quả nguồn vốn bảo trì và chất lượng luồng tuyến vận tải.

Sự chuyển biến đáng ghi nhận khác của ngành Đường thủy trong năm qua là siết chặt quản lý vận tải, hạ tầng theo Luật Giao thông ĐTNĐ, nâng trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Theo ghi nhận, việc quản lý tải trọng phương tiện thủy tại các cảng, bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động được chặt chẽ hơn, nhất là trong vấn đề tải trọng phương tiện. Ở nhiều cảng, bến lớn tại khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… hầu như không có phương tiện rời cảng, bến trong trạng thái quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá tải.

Ông Đặng Xuân Thủy, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, gần một năm qua, số trường hợp vi phạm luật bị xử lý tăng hơn 100% và cơ bản không còn phương tiện rời cảng bến (có phép) trong tình trạng quá tải.

“Công tác chỉ đạo từ Cục đến Cảng vụ quyết liệt, sát sao hơn, kỷ luật nghiêm hơn, đã tạo sự thay đổi về ý thức trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ. Hoạt động cảng vụ đường thủy đang có sự đổi mới, từ biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đến phục vụ doanh nghiệp tốt hơn đồng thời cùng chung tay giải quyết cảng, bến hoạt động không phép để tạo sự công bằng trong vận tải”, ông Thủy nói.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HTX vận tải Rạch Gầm cũng ghi nhận ngành Đường thủy trong năm qua đã tích cực lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo sự thân thiện, gần gũi giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.