Nhóm Buffalo trình diễn vở cải lương Thương lắm miền Tây trong chương trình Cười xuyên Việt |
Được làm nóng nhờ gameshow?
Thời gian gần đây, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, hát xẩm bắt đầu “xâm nhập” mạnh vào các gameshow. Những chương trình như: Gương mặt thân quen, Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt… sử dụng nhiều hơn những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Tới đây, chương trình Sao nối ngôi dành cho con em các nghệ sĩ hài, cải lương cũng chuẩn bị lên sóng trên kênh THVL1. Mục tiêu ban tổ chức chương trình này mong muốn nhằm vực dậy loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ con em.
Điều này đang làm không ít người vui mừng, lạc quan về sự hồi sinh nghệ thuật truyền thống. Dù các nhà sản xuất chương trình gameshow dùng hình thức nghệ thuật truyền thống như một mẹo câu rating, bởi các tiết mục này thu hút lượng người xem cao. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nghệ thuật truyền thống đang được yêu thích trở lại sau khi khán giả đã phát chán với những thể loại âm nhạc hiện đại.
Điển hình là tiết mục của ca sĩ Hoài Lâm trong chương trình Gương mặt thân quen 2014. Khi nam ca sĩ hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Khi ấy, nhận xét về tiết mục này, giám khảo chương trình danh hài Hoài Linh nghẹn ngào “Bố cảm ơn con vì đã giữ dòng nhạc quê hương”. Tương tự, NSND Ngọc Giàu chia sẻ, bà rất cảm động với tiết mục của Hoài Lâm vì anh là người trẻ dám nghĩ, dám làm.
Những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Hát xẩm, chèo, tuồng đã giúp thần đồng Đức Vĩnh đăng quang quán quân Vietnam’s Got Talent 2015. Tiết mục Kép tư bền của Lê Dương Bảo Lâm trong chương trình Cười xuyên Việt 2015 cũng từng khiến không ít người xúc động. Tiết mục đã thu hút hơn 2 triệu lượt người xem trên Youtube với hàng nghìn lượt like (thích).
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thẳng thắn nhìn nhận: Nghệ thuật truyền thống chỉ là một phương tiện, công cụ để gây sự chú ý cho mọi người. Khi người ta đã quá chán với các loại hình nhạc hiện đại, Á hay Âu, thì một tiết mục dân gian truyền thống sẽ khiến chương trình trở nên lạ hơn.
Trong khi đó, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chỉ ra rằng, đa số chỉ là những lựa chọn mang tính tùy hứng của nghệ sĩ, chứ không phải do trăn trở vì nghệ thuật truyền thống. “Họ lựa chọn trên cơ sở tiết mục đó có thể giúp họ đạt được những mục đích tiểu cục, như gây cười chẳng hạn. Khi bị chỉ trích, một vài nghệ sĩ nhân danh làm mới nghệ thuật truyền thống. Đó là sự bao biện nực cười, vì ai cũng biết một vài trường hợp nghệ sĩ không đủ năng lực làm điều đó”, anh nhận định.
Quan tâm hay chỉ là câu rating?
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho hay, có thể vực dậy hay không phải nằm ở chất lượng và quan điểm sáng tạo của tiết mục. Các chương trình gameshow giữ lợi thế là có sức hút, được sự quan tâm của công chúng. Do đó, nếu tận dụng đúng cách những chương trình này, thì những tinh túy của nghệ thuật dân tộc cộng với sự “cách tân đúng đắn” sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho nghệ thuật truyền thống.
Tôi nghĩ nhà đài quan tâm tới rating nhiều hơn chứ chưa thực sự chú tâm vào việc muốn vực dậy những bộ môn nghệ thuật truyền thống. Các tiết mục dàn dựng không kỹ lưỡng, chú trọng hình thức để gây sự chú ý, chạy theo phong trào chứ chưa thực sự trọng tâm vào chất lượng tiết mục. Nói là muốn vực dậy nhưng nếu cứ làm như thế thì khó lắm”.Nghệ sĩ hát bội Thái Hòa |
“Nhưng làm thế nào để có thể vực dậy nghệ thuật truyền thống qua gameshow thì cần nghệ sĩ chân chính, có tài tâm nữa. Họ phải có đủ trình độ, kiến thức, bản lĩnh nghề nghiệp để đưa ra nhân tố đổi mới, thậm chí tạo ra xu hướng mới. Nhưng nếu không làm cho nghệ thuật truyền thống đẹp lên, thì theo tôi không nên làm”, anh nói.
Trong khi đó, NSƯT Phượng Hằng cũng cho rằng, đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống vào các gameshow vừa tích cực nhưng cũng không ít tiêu cực. Tích cực là các nghệ sĩ có sân chơi, có chương trình để diễn. Nhưng làm sao để chuẩn bị những tiết mục kỹ lưỡng, tập trung và chất lượng thì không dễ, đó là sân chơi rất khắc nghiệt.
Ở một góc độ khác, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long thẳng thắn, rất khó để hồi sinh nghệ thuật truyền thống bằng gameshow truyền hình thực tế. Bởi lẽ, các chương trình này thường cần phải có rating cao. Mà muốn có rating cao thì phải có nhiều các yếu tố như thí sinh, giám khảo nổi tiếng, thậm chí cả những sự kiện, tranh cãi ngoài lề. Tất cả thứ đó không hợp với nghệ thuật truyền thống. Anh khẳng định thêm: Gameshow rất tốt trong việc tạo sự chú ý cho người xem đối với nghệ thuật truyền thống, nhưng để vực dậy được hay không thì không dám khẳng định.
Cạnh đó, nhạc sĩ còn cho biết, việc “bóp méo” nghệ thuật truyền thống trên các gameshow THTT cũng nhằm để “câu” khán giả, điều này thì vô cùng ảnh hưởng tới những bộ môn nghệ thuật này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận