Nâng niu "giữ" Tết
Chị Hồng Vân hiện đang sinh sống ở Westerstede, bang Niedersachsen, CHLB Đức là một trong những người yêu Tết Nguyên đán như vậy bởi mỗi dịp Tết về là lúc nỗi nhớ nhà trong chị dâng trào.
Chị Vân chia sẻ: “Tôi đã sang Đức được 4 năm. Cuộc sống bận rộn kéo mình đi với đầy những mục tiêu, kế hoạch nhưng vẫn không thể làm vơi đi nỗi nhớ nhà khi Tết đến”.
Khung cửa sổ nhà chị Hồng Vân tại Đức. Sắp Tết ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, nỗi nhớ bố mẹ của chị Hồng Vân càng thêm da diết.
“Nhớ năm đầu tiên khi đặt chân đến Đức, nhà cửa còn trống hoang, đồ đạc còn chưa có thì đã đến Tết. Nhớ ngôi nhà mình ở, nhớ chậu cây mình trồng và trên hết, nhớ và thương bố mẹ vô cùng. Bạn bè tôi khi ấy ở khắp nơi trên thế giới, những đứa tự cho mình là dày dạn kinh nghiệm đón Tết xa nhà thi nhau an ủi và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhưng có một điều tôi nhận ra rằng, sẽ chẳng có một kinh nghiệm nào, dù có ở nước ngoài bao nhiêu năm thì cái cảm giác bâng khâng, nhớ nhà khi Tết đến vẫn còn nguyên đó” - chị Vân chia sẻ.
Ở thủ đô Vienna (Áo), chị Thu Hà, Tiến sĩ sinh hóa người Việt Nam, dù đã xa quê 30 năm nhưng cứ nghĩ đến Tết là hân hoan, xao xuyến. Không Tết nào chị Hà không tự làm cơ man nào là bánh chưng, bánh tét, … và bày biện công phu, đẹp mắt. Bởi với chị, Tết rất quan trọng!
Chị Hà kể, năm nào cả nhà cũng gói bánh chưng và làm cơm thắp hương đủ cả ba ngày Tết. Năm nay Tết vào cuối tuần, nên nhà chị Hà và mấy gia đình thân dự định sẽ tụ họp cùng nhau ăn bữa cơm và xúng xính diện áo dài.
Xoay xở để có cái Tết xa thật trọn vẹn
Nếu như ở Việt Nam, năm hết Tết đến, nhà nhà cùng được nghỉ để chuẩn bị đón Tết, đồ ăn thức uống, sản phẩm phục vụ Tết đều sẵn sàng thì khi sống ở các nước cách quê hương có khi tới cả nửa vòng Trái Đất, nhiều người Việt phải sắp xếp, chuẩn bị thật khéo để có thể đón ngày Tết với đủ vị truyền thống như ở nhà.
Với chị Vân, đó là việc phải phân chia người về thăm quê tại Việt Nam, người ở lại chăm con và chuẩn bị đón Tết tại Đức. Bởi những ngày này, ở Đức, mọi người vẫn đi làm, trẻ con đi học nên mơ ước về một ngày cả nhà cũng đón Tết cùng ông bà ở Việt Nam dường như thật khó.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nhà chị Thu Hà
“Năm nay Tết rơi vào cuối tuần nên ba mẹ con tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết” – chị Vân chia sẻ.
Để chuẩn bị cho Tết, gia đình chị thường tìm mua đầy đủ mâm ngũ quả, hoa tươi và nến. “Năm nào cũng vậy, đúng 6 giờ chiều ở đây, khi ở nhà cúng giao thừa, chúng tôi thắp nến, yên lặng và thành kính, nhớ tới tổ tiên ông bà và cùng mong ước cho năm mới bình an” – chị Vân nói.
Còn với chị Hà, từ khi kết hôn, hai mươi năm nay, chị Hà và chồng đều xin nghỉ phép trùng ba ngày Tết.
“Trẻ con nhà mình biết Tết từ bé, thích Tết và thích các món ăn ngày Tết. Năm nay mình còn làm bóng bì và mứt nữa. Mình thích bày ra làm cho có không khí và cho trẻ con hiểu về Tết!”- chị Hà say sưa kể.
Vì sự chuẩn bị công phu như vậy mà nhiều người đùa chị Hà rằng: “Mọi người ở đây “giữ Tết hơn ở nhà!”.
Năm nào chị Thu Hà cũng gói bánh chưng và làm giò dù đặt mua rất dễ. Vì ở Vienna đặt lá dong khó nên Thu Hà chuyển sang gói bằng lá chuối.
Tại Hawaii, Mỹ, chị Hải Hà đang sống cùng chồng và con trai cũng yêu Tết quê sâu sắc. Ngay khi được hỏi về Tết, chị đã khoe vừa “xử lý xong chỗ lườn gà trong tủ, được hẳn bốn khay chả quế”.
Dù công việc bận rộn, có tối phải 10 giờ mới về nhưng chị cũng không ngại ngần vào bếp để chuẩn bị cơm cúng ông Công, ông Táo với xôi đỗ xanh, gà luộc…
Năm nay, tuy chỉ có 2 vợ chồng chị ở nhà vì con trai đi học xa nhưng anh chị cũng lên danh sách chuẩn bị đủ thịt đông, giò thủ, bánh chưng và không bao giờ thiếu món xôi chè cho ngày mùng 1 Tết ngọt ngào, may mắn.
“Hồi đi học ở châu Âu, mình còn nghèo, thèm mứt Tết kinh khủng nên đã tự tay hì hục làm mứt khoai tây, mứt dừa. Giờ ở Mỹ, đồ ăn sẵn như ở Việt Nam do bà con California chuyển qua, thậm chí là đồ ở tại Hawaii luôn. Nào mứt dừa non, mứt mận, quất dẻo, cóc, ngon lắm” – chị Hải Hà kể.
Mứt Tết chị Hải Hà tự tay làm.
Tại Munich, Đức, chị Minh Hà làm việc cho một công ty phần mềm ở đây cho biết: “Tết với gia đình chị không phải là sự tất bật chuẩn bị, mà luôn là dịp để thưởng thức và tận hưởng. Hai con của chị Hà đều sinh tại Đức, nhưng các bạn đều gói bánh chưng rất giỏi.
Vừa nói, chị vừa chỉ khuôn bánh chưng vuông vắn và cho biết: “Cái khuôn này là bạn nhỏ nhà mình tự tay làm đấy. Chị cả gói tay quen rồi, mấy cái đầu hơi méo một xíu nhưng sau là ổn. Phụ huynh như mình chỉ hỗ trợ xung quanh kiêm chụp ảnh thôi. Ngày Tết vui thế đấy” – Chị Hà chia sẻ.
Gia đình chị Minh Hà quây quần, gói bánh chưng xanh.
Người Việt ở nước ngoài, mỗi người ở mỗi cương vị và điều kiện khác nhau đều đang làm việc hết mình, hòa nhập vào cuộc sống nước sở tại nhưng không ai quên giữ gìn truyền thống và hướng về đất nước. Và Tết, dù tổ chức ở đâu thì mãi mãi vẫn là yêu thương, là ấm áp và gắn bó.
“Những cảm xúc đó thật đẹp, đáng để mỗi người con xa xứ như chúng tôi nâng niu và giữ riêng cho bản thân mình” – chị Vân chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận