Đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Hoàng Văn Thắng |
Sẻ chia kịp thời
Đầu tháng 1/2015, tổng sản lượng thi công dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Km1793+ 600 đến Km1824+00 thuộc tỉnh Đắk Nông (do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 làm nhà đầu tư) đã đạt 62% sản lượng. Để đạt được điều đó, ngoài sự quyết tâm nhà đầu tư, thi công chuyên nghiệp của nhà thầu, còn có sự ủng hộ nhiệt thành của chính quyền và nhân dân trên toàn tuyến.
Nhiều người có mặt tại lễ khởi công dự án BOT đường HCM đoạn Km1793+600 đến Km1824+00 thuộc tỉnh Đắk Nông rất bất ngờ khi nhà đầu tư Toàn Mỹ ủng hộ 10 tấn gạo cho người dân địa phương. 10 tấn gạo này tuy không lớn, nhưng nó thể hiện sự sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái của nhà đầu tư với người dân còn khó khăn. Việc làm này của nhà đầu tư tạo sự thân thiện và niềm tin lớn với người dân và chính quyền nơi đây.
Trong quá trình thi công, những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không để ảnh hưởng đến người dân. Đơn cử như ngôi nhà của ông Hoàng Văn Thắng (SN 1974, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gần, Đắk Mil, Đắk Nông) bị sạt lở. Ngôi nhà trị giá khoảng 16 triệu đồng, nhưng chủ đầu tư Toàn Mỹ 14 hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa.
Ông Hoàng Văn Thắng kể: “Vào chiều ngày 27/7, khi gia đình đang đi làm thì hay tin ngôi nhà bất ngờ bị sụt lún, một phần bị đổ ập, nền nhà và tường nứt toác. Ngay sau đó, gia đình đã thông báo với chính quyền UBND xã Đắk Gần, đồng thời nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa và dựng túp lều ngoài trời để ở”.
Gia đình ông Thắng gồm có vợ và hai con nhỏ (đứa lớn học lớp 7, đứa bé lớp 4). Tài sản ngoài ngôi nhà là mảnh vườn 5 sào chỉ trồng ngô và các loại cây ngắn ngày khác. Hai vợ chồng ông chủ yếu đi làm thuê, làm mướn. Mùa mưa thì đi hái măng...
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch xã Đắk Gần, Đắk Mil cho biết: “Ngôi nhà của ông Thắng là nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2009, giá trị khoảng 16 triệu đồng theo hình thức hỗ trợ xóa nhà tạm cho người nghèo. Vì vậy, nhà đầu tư kịp thời hỗ trợ 20 triệu đồng. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn, không những giúp cho gia đình ông Thắng ổn định cuộc sống, còn giúp chính quyền địa phương chăm lo tốt nhất đời sống của người dân”.
Quyết tâm thảm nhựa sớm để người dân an tâm đi lại vui xuân |
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Tuy nhiên, đầu năm 2015, phát sinh một số ít hộ dân cản trở nhà thầu thi công, khiến Bộ GTVT phải chỉ đạo giải quyết. Trong chuyến kiểm tra công trường của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, đại diện nhà đầu tư BOT Toàn Mỹ cho biết, công tác GPMB đã được UBND huyện Đắk Mil bàn giao toàn bộ. Tuy nhiên, một số vị trí cống tròn ngang đường không thể thi công phần mương dẫn dòng, sân cống do chưa GPMB vì còn vướng một số hộ dân.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên công trường, nhà đầu tư Toàn Mỹ 14 đã phát động phong trào thi đua “Sôi động thi công đường HCM để người dân vui đón xuân 2015”. |
Đơn cử, đoạn Km1817+450 - Km1817+464 (chiều dài 14m) hộ ông Tô Văn Dũng thuộc thôn 7, xã Đắl R’La chưa nhận tiền đền bù với lý do sau khi GPMB nhà sát mép đường nên ông Dũng đề nghị bồi thường toàn bộ mới cho thi công. Đoạn Km1822+530, hộ ông Trần Văn Hùng, thuộc thôn 2, Đắk R’La cản trở không cho thi công công. Lý do sau khi di dời đường điện đi qua mái nhà nên người dân đề nghị di dời ra khỏi phạm vi mái nhà. Đoạn Km1819+250 - Km1819+874 (đoạn nắn chỉnh tuyến) còn một số hộ dân thuộc thôn 5, xã Đắk R’La chiều dài 624 m, người dân cản trở không cho thi công, yêu cầu phải cấp đất tái định cư mới cho thi công.
Báo cáo Thứ trưởng, đại diện Sở GTVT Đắk Nông đề nghị nhà đầu tư sớm đền bù theo yêu cầu của các hộ dân để họ chấp nhận di dời đúng theo quy định. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích rõ, theo quy định, nhà đầu tư chỉ đền bù cho hộ dân nằm trong khu vực mốc GPMB. Còn những công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ theo lộ trình đến năm 2020, trước mắt người dân vẫn sử dụng công trình trong hành lang an toàn bình thường, còn việc tái định cư cho dân thuộc thẩm quyền địa phương. Vì thế, nhà đầu tư không có trách nhiệm bồi thường cho những hộ dân đang cản trở thi công trên. Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu, Sở GTVT phối hợp cùng chính quyền giải quyết dứt điểm tình trạng cản trở giao thông trước Tết Âm lịch 2015 để nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án.
Nhà đầu tư tâm huyết
Đầu tháng 11/2014, tổng sản lượng thi công trên dự án BOT do Toàn Mỹ 14 đầu tư đạt 42% sản lượng, đến đầu tháng 1/2015 sản lượng tăng lên 62%. Đại diện, nhà đầu tư BOT Toàn Mỹ cho biết, từ tháng 1/2015, bình quân sản lượng toàn dự án tăng khoảng 12% đến 15%. Như vậy, nếu không bị người dân cản trở, chỉ trong vòng tháng 3 đến tháng 4/2015 sẽ hoàn thành dự án, sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ khoảng 7 đến 8 tháng.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM cho biết: “Riêng đối với các dự án BOT qua Tây Nguyên, Ban QLDA đường HCM an tâm nhất đối với dự án do Toàn Mỹ 14 đầu tư. Nhà đầu tư bắt tay thi công ngay từ khi khởi công, sản lượng luôn vượt tiến độ đề ra”.
Để đạt được tiến độ, nhà đầu tư Toàn Mỹ đã chỉ đạo các nhà thầu, đoạn nào bằng phẳng vẫn rải đá trong mùa mưa. Đến hết mùa mưa, dự án BOT Toàn Mỹ 14 đã tập kết được 100% vật liệu. Cuối tháng 10/2014 khi mùa khô vừa đến, Toàn Mỹ 14 đã chỉ đạo các nhà thầu thảm bê tông nhựa. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT đến Tết Âm lịch 2105, toàn tuyến thảm được trên 70% bê tông nhựa lớp 1. Tuy nhiên, đến đầu tháng 1/2015 (còn gần 2 tháng mới tới Tết Âm lịch), dự án này đã thảm được 75% bê tông nhựa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận