Ruben Loftus Cheek (số 10) đang được Chelsea cho Crystal Palace mượn - Ảnh: Sky Sport |
Đội quân đánh thuê
Tờ Dailymail mới đây đưa ra thống kê khiến nhiều người phải giật mình. Theo đó, có tới gần 2/3 số cầu thủ được triệu tập vào ĐT Anh đợt này đã hoặc đang bị CLB chủ quản đem cho mượn. Thủ môn số 1 của Tam Sư Joe Hart thi đấu trong màu áo West Ham theo dạng cho mượn từ Man City. Trước đó, Joe Hart cũng từng bị đẩy sang Torino với bản hợp đồng “đánh thuê” trong vòng một mùa giải. Ruben Loftus-Cheek, cầu thủ Anh chơi hay nhất trận gặp Đức đang được Chelsea “biệt phái” tới Crystal Palace.
Tiền đạo Tammy Abraham khoác áo Swansea nhưng anh cũng là người của Chelsea. Ryan Bertrand bị Chelsea cho mượn tới 9 lần, ở 7 CLB khác nhau trước khi được bán đứt cho Southampton. Jesse Lingard một trong những tiền vệ trẻ xuất sắc nhất bóng đá Anh đã trải qua 4 lần bị MU “tăng cường” cho các đội bóng nhỏ. Jack Cork của Burnley kinh qua 7 đội bóng không sở hữu anh... Tính ra, đội hình tuyển Anh vừa trải qua hai trận giao hữu cùng Đức, Brasil sở hữu tới 66 bản hợp đồng cho mượn, một kỷ lục của bóng đá thế giới.
Về mặt lý thuyết, một đội bóng chỉ đem cầu thủ cho mượn khi thừa thãi nhân sự, đồng thời cầu thủ bị đẩy đi không thể cạnh tranh suất đá chính, do còn trẻ hoặc chưa đủ trình độ. Cũng chẳng đội bóng nào xây dựng đội hình, lối chơi xung quanh cầu thủ mượn về. Việc tuyển Anh thâu nạp nhiều cầu thủ thuộc diện cho mượn cho thấy thực trạng chung của cả nền bóng đá xứ sương mù. Các CLB đều có xu hướng “gửi gắm” tài năng trẻ nhằm trui rèn thêm bản lĩnh thi đấu. Nhưng thực tế, số cầu thủ phát huy tối đa tài năng ở “trạm trung chuyển” gần như không có. Ngược lại, vì phải dịch chuyển qua nhiều CLB khác nhau, cầu thủ trẻ do vậy gặp khó trong việc định hình phong cách cũng như hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn.
Chelsea mùa hè vừa rồi cho mượn hơn 40 cầu thủ trẻ và hầu hết đều đang “mất tích”. Nếu không thu được kết quả như ý, Chelsea lại tiếp tục cho mượn và chắc chắn sẽ có thêm nhiều Ryan Bertrand. Tổng kết lại, rõ ràng bóng đá Anh không biết phát huy lực lượng tự có, dẫn đến việc ngày càng phụ thuộc vào cầu thủ ngoại quốc.
Hậu quả khôn lường
Trong bóng đá hiện đại, cho mượn - mượn cầu thủ là xu hướng tất yếu. Nhưng ở Anh, các CLB quá thiên về xu hướng này và hậu quả của nó chắc chắn rất nghiêm trọng. Nhìn vào các CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh, chỉ có số ít cầu thủ người Anh tỏa sáng. Không khó để kể ra đây một vài ví dụ như: Harry Kane, Eric Dier, Dele Alli của Tottenham, Sterling của Liverpool, John Stone của Man City... Trong khi đó, những cái tên nổi bật nhất Premier League như: Sergio Aguero, De Bruyne (Man City), Alvaro Morata (Chelsea), Romelu Lukaku (MU), Mohamed Salah (Liverpool... đều tới từ ngoài biên giới nước Anh.
Theo tờ Guardian, chính bởi các ông lớn không chú trọng việc bồi dưỡng sao trẻ bản địa, chạy theo sao ngoại quốc nên tuyển Anh mới có chỗ đứng cho những cầu thủ ở các CLB trung bình, những cầu thủ bị cho mượn liên miên. Trên nền tảng như vậy, đoàn quân của HLV Gareth Southgate rất khó để vươn tầm trở thành một chú sư tử dũng mãnh, thay vì chỉ là sư tử giấy như hiện tại.
Nếu đem so sánh ĐT Anh với hai ông lớn thành công nhất châu Âu trong khoảng một thập kỷ qua là Đức và Tây Ban Nha, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt. ĐT Đức được tập hợp dựa trên nền tảng của nhóm CLB hàng đầu Bundesliga như: Bayern Munich, Dortmund, Schalke 04, Wolfsburg. Quân Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid chiếm đại đa số lực lượng ở tuyển Tây Ban Nha. Ngược lại, tuyển Anh gần như lấy quân của tất cả các đội dự Ngoại hạng Anh.
Chuyên gia bóng đá Anh Stan Collymore cho rằng, nếu không sớm khắc phục tình trạng nhân tài vay mượn, Tam Sư đừng mơ tiến xa ở các giải đấu lớn chứ chưa nói tới mục tiêu vô địch. “Cầu thủ Anh cần được thi đấu, đặc biệt là thi đấu ở các CLB lớn. Chỉ như vậy mới tạo ra được một ĐT Anh vững vàng cả về bản lĩnh lẫn chuyên môn. Còn như hiện tại, danh sách tuyển Anh gồm nhiều cái tên lạ hoắc và chắc chắn không đủ sức mạnh tranh đua ở EURO hay World Cup”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận