Vì đâu những chương trình nhân văn, có tính giáo dục, hiệu ứng lan tỏa tốt trong xã hội dù đã có “tuổi đời” hàng chục năm, được nhiều người yêu thích nhưng vẫn phải dừng lại trong sự tiếc nuối của khán giả?
Không có tài trợ rất khó duy trì
Sau 13 năm lên sóng, “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) - chương trình truyền hình giúp các gia đình tìm kiếm được người thân thất lạc, đưa những mảnh đời đoàn tụ với nhau - đã phải nói lời chia tay với khán giả. NCHCCCL dừng phát sóng không phải vì không còn hồ sơ yêu cầu tìm kiếm, không phải vì không còn ai quan tâm mà là vì… không xin được tài trợ.
Theo nhà báo Thu Uyên - MC chính của chương trình, từ tháng 1/2020, chương trình đã hết tài trợ nhưng ê-kíp vẫn cố gắng duy trì bằng một số chương trình live. Tuy nhiên, do tính chất tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, đồng thời là chương trình xã hội hóa nên không có tài trợ rất khó duy trì và tồn tại.
Vì lẽ đó, ê-kíp đã xin phép VTV quyết định dừng phát sóng chương trình. Năm 2018, NCHCCCL cũng dừng sản xuất 6 tháng vì không có tài trợ, sau đó trở lại vào tháng 1/2019 và chỉ duy trì được 1 năm.
Trước NCHCCCL, nhiều chương trình mang tính xã hội cũng không thể “sống” dù đã có thương hiệu như “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng”, “Ngôi nhà mơ ước”, “Nhịp cầu ước mơ - Kết nối đôi bờ”… Mặc dù có những lý do chủ quan, khách quan được đưa ra nhưng tựu chung vẫn liên quan đến tài chính.
“Ngôi nhà mơ ước” (Đông Tây Promotion hợp tác HTV) lên sóng từ tháng 12/2005 trên HTV7 sau 11 năm đã trao tặng 541 ngôi nhà cho các gia đình nghèo. Chương trình dừng lại vào tháng 7/2016 vì không tìm được nhà tài trợ mới.
“Vượt lên chính mình” xóa nợ và cấp vốn làm ăn cho mọi đối tượng nghèo có vay vốn ngân hàng và có nhu cầu xóa nợ trên cả nước, sau 13 năm phát sóng (từ tháng 6/2005 đến tháng 12/2018) đã dừng do “vấn đề nội bộ công ty”.
Còn “Lục lạc vàng” phát trên VTV1 sau 7 năm lên sóng (từ năm 2011 - tháng 4/2018) cũng dừng sản xuất không lý do sau khi đã trao tặng cho rất nhiều hộ gia đình nghèo trên cả nước những cặp bò đáng quý để mưu sinh.
Theo một nguồn tin của Báo Giao thông, hai chương trình này của Lasta Multimedia dừng sản xuất đều vì vấn đề tài chính. Nhà đài, nhà sản xuất và nhà tài trợ ngồi lại bàn bạc, thấy cán cân tài chính không ổn định thì dừng lại.
Một chương trình mang tính an sinh xã hội sẽ khó có thể có lượng khán giả bằng các gameshow giải trí khác. Có lẽ đó là lý do NCHCCCL bị dời từ khung giờ vàng của VTV1 sang khung giờ buổi chiều của VTV9.
Tuy nhiên, rating chưa hẳn là lý do duy nhất bởi “Vượt lên chính mình” có thời điểm rating đạt mức 35%, được phát sóng trên 20 kênh truyền hình vì sức lan tỏa nhưng cũng phải chia tay người xem.
Lý giải về điều này, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, đối tượng hướng tới của các chương trình truyền hình nhân đạo đều là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đó là những người không có khả năng tiêu dùng hoặc khả năng tiêu dùng rất thấp. Do đó, các nhãn hàng quảng cáo sẽ không đủ nhiệt tình.
“Mục tiêu của nhà tài trợ với mục tiêu của chương trình khác nhau. Rating có thể cao, nhưng là rating của đối tượng xã hội không sẵn sàng tiêu dùng. Người ta bỏ tiền ra, họ cũng phải nghĩ cho mình. Khó cho họ, khó cho cả chương trình”, nữ biên kịch nhận định.
Nhà nước nên hỗ trợ
NCHCCCL dừng phát sóng đã làm dấy lên một “làn sóng” muốn cứu chương trình. Một quỹ tiếp nhận sự ủng hộ đã được lập ra để mọi người có thể cùng chung tay, chia sẻ tài chính với ê-kíp sản xuất.
Thế nhưng, chương trình trở lại ra sao vẫn đang được cân nhắc bởi theo nhà báo Thu Uyên: “Nếu cứ cố gắng nửa năm, một năm, rồi lại bị rơi vào tình trạng khó khăn như gần đây thì thật không xứng đáng với sự trông đợi của mọi người”.
Làm chương trình nhân ái chủ yếu bằng tâm huyết chứ nếu vì tiền thì khó. Chúng tôi làm sản xuất, nhiều khi còn “âm” lương.
Chỉ mong kinh tế khá lên, doanh nghiệp có tiền sẽ lại chi cho các chương trình xã hội nhân văn, chứ nếu không có các chương trình này, những người khó khăn sẽ không biết cầu cứu ở đâu”.
Nhà sản xuất - đạo diễn Quyền Lộc
Thực tế hiện nay, vẫn luôn có rất nhiều chương trình mang tính xã hội, nhân văn vẫn được tổ chức trên khắp cả nước, phát sóng trên nhiều đài truyền hình… nhưng duy trì được bao lâu và làm sao để duy trì lâu dài mới là vấn đề.
Điều đó không chỉ từ sự cố gắng của ê-kíp sản xuất mà cả nhà tài trợ, nhà đài, Nhà nước và trên hết là xã hội.
Đó cũng là điều mà nhà sản xuất Quyền Lộc - đạo diễn của hàng loạt chương trình như “Tiếp sức hồi sinh”, “Mở cửa tương lai”, “Áo trắng đến trường”… rút ra sau nhiều năm lăn lộn với các chương trình nhân văn.
Quyền Lộc khẳng định, chương trình nhân văn lệ thuộc rất lớn vào tài trợ do kinh phí sản xuất chương trình dạng này lớn gấp nhiều với một gameshow thông thường.
Anh thông cảm cho các nhà tài trợ bởi họ phải đặt sản phẩm của mình vào đúng nơi có thể quảng bá và bán hàng được, để có nguồn thu tái đầu tư. Các nhà đài cũng thường ưu ái cho các chương trình nhân văn nhưng cũng phải làm kinh tế, không thể bỏ tiền bù lỗ liên tục.
Bản thân Quyền Lộc từng ngồi với nhiều nhà tài trợ và anh thấy họ không khắt khe với các chương trình nhân văn, nhưng kinh tế không cho phép. Các quảng cáo phát sóng không nhiều và giá quảng cáo cũng thấp. Doanh thu từ quảng cáo chỉ để giúp các nhân vật chứ không đủ cho chi phí sản xuất.
“Chung quy là ở kinh tế”, anh chua chát. Vị đạo diễn này cũng tiết lộ, chương trình “Tiếp sức hồi sinh” (đã làm 7 năm) của TodayTV đã không có tài trợ từ 2 năm nay và nhà đài đang bỏ tiền túi duy trì nhưng phải làm gọn lại.
Nếu trước đây, ban tổ chức hỗ trợ các trường hợp có thể vài chục triệu đồng thì nay gói gọn khoảng 10 - 20 triệu đồng. Chương trình cũng có quỹ tiếp nhận sự hỗ trợ từ các khán giả trên cả nước.
Trong khi đó, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, các chương trình vì lợi ích xã hội thì Nhà nước nên có sự hỗ trợ chứ không thể chỉ để xã hội hóa. Bởi chúng ta luôn kêu gọi cả xã hội chung tay giúp những người khó khăn thoát nghèo nhưng những chương trình đang làm tốt điều đó lại không được duy trì.
Quả thực, vai trò của Nhà nước với các chương trình nhân ái rất quan trọng. Đơn cử, “Hãy đợi tôi” - chương trình của Nga giống với NCHCCCL đã tồn tại được 22 năm, giúp hơn 200 nghìn người tìm lại thân nhân sau ly tán nhờ có sự tài trợ của một cơ quan Chính phủ.
“Nếu những chương trình thiện nguyện, có ý nghĩa xã hội được đầu tư một khoản kinh phí mang tính chất “xương sống”, rồi những người thực hiện sẽ kêu gọi đầu tư, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để tăng thêm sự hấp dẫn của chương trình thì mọi thứ có thể sẽ khác”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận