The Great Wall, một trong những bom tấn thua lỗ nặng nề nhất mùa phim hè 2017 |
Mùa hè đỏ lửa bom tấn
Hàng năm, đã thành lệ, mùa hè luôn là thị trường mà các đại gia Hollywood trông ngóng nhiều nhất. Dẫu cho vài năm gần đây có sự chuyển dịch thị trường nhất định, vẫn không làm thay đổi được tầm quan trọng của những tháng hè. Cơn mưa bom tấn đắt đỏ thường được dội vào khoảng thời gian từ tháng 5 cho tới đầu tháng 8, theo cường độ dày đặc nhất có thể. Khán giả no nê trong bữa tiệc điện ảnh, còn các hãng sản xuất theo đó cũng kiếm bộn tiền. “Hoặc anh ném vào phiên chợ hè những con bài chiến lược với quyết tâm cạnh tranh cao độ, hoặc khôn hồn né cho xa vùng chiến sự này”, đó là quy tắc thép mà cả “lục đại gia” ở Hollywood (gồm: Paramount, Fox, Wanner Bros, Universal, Legendary, Sony) lẫn các hãng phim nhỏ lẻ đều phải biết. Chỉ lạ lùng là, năm nay kinh đô điện ảnh đã có một mùa hè thật khác.
Góp thêm vào sự xuống dốc của mùa hè 2017 chính là việc dịch vụ trình chiếu trực tuyến (livestream) đang phổ biến nhanh chóng mặt, đi đầu là trang Netflix. Không cần ra rạp chiếu, chỉ cần trả một khoản tiền nhất định hàng tháng, khán giả đã có thể cập nhật những bộ phim mới nóng ngoài rạp hoàn toàn hợp pháp, có bản quyền và chất lượng tuyệt hảo. Hình thức này một mặt đưa điện ảnh tới gần số đông, mặt khác đe doạ văn hoá rạp chiếu phim truyền thống. Đạo diễn lừng danh Christopher Nolan của siêu phẩm chiến tranh Dunkirk đã tức giận chỉ trích hãng Netflix như kẻ phá bĩnh đáng ghét: “Netflix đang đầu tư vào những nhà làm phim hàng đầu, nhưng sẽ đáng ngưỡng mộ nếu họ không triệt đường sống của phim chiếu rạp”. |
Mọi chuyện bắt đầu từ khi báo cáo kết thúc quý III của Tập đoàn AMC Entertainment được công bố. Hệ thống rạp chiếu bóng lớn nhất nước Mỹ này lỗ tới hơn 1,3 tỉ USD trong mùa hè vừa qua. Các nhà phân tích giật mình, để rồi tiếp tục chết khiếp khi chứng kiến con số của trang thống kê uy tín nhất thế giới, Box Office Mojo. Đã có thứ gì đó quét qua các rạp chiếu phim toàn nước Mỹ năm nay, cuốn đi 26,7% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Một phiên chợ ảm đạm, tăm tối chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử thương mại điện ảnh, nay đã thành sự thực. Như lời của CEO Tập đoàn AMC phát biểu: “Nói chỉ thất vọng là còn giảm nhẹ. Quý vừa rồi là một thất bại hoàn toàn”.
Thất bại hoàn toàn ấy thuộc về các rạp chiếu phim, trùng khớp với những cú ngã chỏng vó của các bom tấn trên thị trường hè 2017. Paramount Picture là đại diện thua lỗ nặng nề nhất. Trong lần đại chiến thứ 5, các robot biến hình của thương hiệu Transformer giống như đã chạy hết xăng, chỉ thu về 1 nửa số tiền đầu tư (129 triệu/217 triệu). Hồi tháng tư, một bom xịt khác là Ghost in the Shell cũng đã khiến Paramount xây xẩm mặt mày vì lỗ. Như một thứ bệnh dịch, không đại gia nào ở Hollywood né được cơn lốc bại trận. Toán Cướp biển Caribe chìm nghỉm trong chuyến ra khơi lần thứ 5, khiến “nhà chuột” Disney lo sốt vó. Hãng Universal khai quật lại thương hiệu The Mummy (Xác ướp), để rồi lỗ như thể bị nguyền rủa. Sony vật vã vì các phim: Dark Tower, Rought Night, Emoji Movies. Wanner Bros có King Athur: Legend of Sword thua chỏng vó. Hãng Fox chốt sổ bằng bom xịt Alien: Covenant (Quái vật không gian), lỗ không ngóc đầu lên nổi.
Thắng bại là chuyện thường của binh gia, cũng như lỗ lãi với các nhà sản xuất. Nhưng khi tất cả các ông lớn đồng loạt lỗ, trong cùng một thời điểm nhạy cảm như mùa phim hè, thì nó tương đương với báo động đỏ. Miếng bánh mỡ màng mọi năm đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Thua lỗ doanh thu được báo trước
Kỳ thực, đây không phải điều gì nằm ngoài sức tưởng tượng. Chúng đã được dự báo từ lâu. Các nhà phê bình đã lặng lẽ vạch ra những lối mòn giết dần Hollywood theo thời gian: Thiếu sáng tạo về kịch bản, coi thường giới biên kịch… Chúng đã tồn tại từ 3-4 năm trở lại đây, nhưng không được ai để ý, giống như mầm bệnh ung thư giấu mình sâu trong cơ thể.
Nực cười không, khi ở kinh đô điện ảnh thế giới, đỉnh cao sáng tạo của giới làm phim, lại đang ăn bám vào những ý tưởng của các thập niên 60-70 đổ về trước. Siêu anh hùng, robot biến hình, xác ướp, cướp biển… đều bắt nguồn từ các thương hiệu xưa cũ (phim Xác ướp phiên bản đầu tiên xuất hiện năm 1932). Doanh số phần trước khủng tạo ra tư duy sản xuất tiếp phần sau bất kể lời lỗ, để kéo những khán giả trung thành tới rạp. Trước đây, 3 phần là con số đẹp cho một loạt phim, thì nay những Transformer, Cướp biển Caribe đã lê lết đến tận phần 5, thậm chí như Alien: Covenant đã là tập thứ 7 về chủng loài quái vật không gian. Như những con bò bị vắt sữa mãi không thôi, chất liệu sáng tạo, hứng thú của khán giả đã bị cạn kiệt sau cả thập kỷ chỉ quanh đi quẩn lại những câu chuyện cũ, diễn viên cũ, nhân vật cũ.
Hè năm 2017 cũng là năm để các đại gia Hollywood rút ra bài học đau đớn ruột gan: Đừng nhờn với giới phê bình điện ảnh. Đạo diễn Alex Kurtzman tuyên bố trên tờ Business Insider: “Tôi không làm phim cho các nhà phê bình”. Nhưng sau đó phim Xác ướp của vị đạo diễn này ngã sấp mặt do nhận những điểm số phê bình tồi tệ. Từ chỗ chỉ quen với các sản phẩm hàn lâm, nghệ thuật, giới phê bình và đặc biệt là các phóng viên báo chí đã dần tiến quân sang thị trường phim thương mại, đầu quân cho các chuyên trang phê bình như Rotten Tomatoes, Metacritics… Hệ quả là phim bom tấn không còn mặc sức tung hoành bất kể chất lượng hay dở. Mà ngược lại, đã phải ít nhiều quan tâm đến điểm số mà giới bình phim tặng cho. Điểm cao thì tràn trề hi vọng kiếm lời, còn ngược lại, như Xác ướp, Robot đại chiến, Quái vật không gian thì cầm chắc mất đi một lượng lớn khán giả tiềm năng.
Thị trường tỷ dân thờ ơ
Góp phần tạo nên một mùa hè thất bát ở Hollywood, ngoài sự suy yếu từ cốt lõi bên trong còn là những bất ổn từ bên ngoài. Trước đây, không ít lần các thị trường quốc tế mà điển hình là Trung Quốc đã đóng vai trò cần câu cứu vớt bom xịt. Nay, điều ấy không còn nữa, hay đúng hơn là khán giả bên ngoài nước Mỹ đã không còn dễ dãi nữa. Bốn phần phim đầu tiên, Robot đại chiến không lần nào thu về dưới 300 triệu USD, riêng phần 5 này tụt xuống chỉ còn xấp xỉ 200 triệu USD. Quái vật không gian còn không kiếm được hơn thị trường nội địa (46/74 triệu), phim King Arthur cũng tương tự như vậy. Thậm chí có những phim như: Dark Tower, War for the Planet of the Ape còn bị cấm chiếu tại Trung Quốc, dẫn đến thất thu nghiêm trọng.
“Hollywood đã quá chủ quan, đánh giá quá thấp thị hiếu của người Trung Quốc”, tỷ phú hàng đầu đất nước tỷ dân Vương Kiện Lâm nhận định. Tốc độ bùng nổ của điện ảnh Hoa ngữ đang nằm ngoài tầm định liệu của người Mỹ, hàng loạt phim trường khổng lồ được xây trên khắp đất nước, bom tấn của riêng người Trung Quốc nối tiếp nhau ra rạp. Trở lực đánh bật tác động từ phương Tây đang ngày càng mạnh mẽ, nếu tính thêm cả chính sách kiểm duyệt ngày một gắt gao. Tất cả phản ánh một thực tế, như ông Vương Kiện Lâm khẳng định: “Các hãng phim nước ngoài sẽ không thể ăn nhờ ở đậu mãi ở đây được nữa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận