Đoàn làm phim “Chạy đi rồi tính” quyết định dời lịch chiếu từ Tết Âm lịch sang Tết Dương lịch. |
Quyết định dời lịch chiếu từ Tết Âm lịch sang Tết Dương lịch của Chạy đi rồi tính phản ánh tình hình thực tế của mùa phim Tết, không chỉ trong năm nay.
Dấu hiệu “né” Tết
Mùa phim Tết được coi là giai đoạn làm ăn thuận lợi nhất trong năm với phim Việt. Khán giả rủng rỉnh về thời gian và tiền bạc, không khí “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tất cả tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim khai thác từ hơn chục năm trước. Nhưng theo thời gian, mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Dấu hiệu “né” Tết manh nha từ bộ đôi Sứ mệnh trái tim và Vệ sĩ Sài Gòn. Đầu tư tương đối lớn, diễn viên hùng hậu, song cả hai lại chọn lăn xả vào mùa Giáng sinh thay vì tháng Giêng sang năm. Phim Lạc lối về quê ăn Tết (hãng phim Thiên Phúc) úp mở thông tin dời lịch chiếu. Cuối cùng là quyết định gây sốc của đoàn làm phim Chạy đi rồi tính, công bố khởi chiếu từ 28/1/2017 đã được đẩy lên sớm một tháng (30/12/2016).
Đạo diễn Nam Cito của Chạy đi rồi tính chia sẻ: “Dời lịch chiếu gây khó khăn cho ê-kíp, vì từ đầu mọi yếu tố nội dung, cách thể hiện phim đều tính để dành chiếu vào dịp Tết. Kế hoạch PR chạy từ đầu tới cuối cũng quảng bá là phim Tết. Nhưng như thế vẫn an toàn hơn là phải chen chân vào bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt phim ngoại lẫn phim Việt trong mùa Tết này”.
Phiên chợ đông mà không vui
Lộ trình bất đắc dĩ của Chạy đi rồi tính chỉ ra thực tế: Thị trường mùa phim Tết đã trở nên quá chật chội. Vài năm trở lại đây, kì nghỉ lễ nào cũng đón nhận cùng lúc 6-7 phim đồng loạt ra mắt. Năm 2013 là 7 phim, năm 2014 cũng con số đó, năm 2015 là 5 phim, năm 2016 là 6 phim. Thậm chí, theo đại diện nhà phát hành BHD, “ngay cả với những tháng khác trong năm, nếu chỉ cần có 2-3 phim ra rạp cùng lúc đã là một khó khăn cho phim Việt trong việc cạnh tranh về suất chiếu”.
Các bộ phim Việt chiếu Tết hầu hết đều giống nhau về đề tài và cách thể hiện. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Phim Tết thường bó vào một thể loại, người ta phải chọn những chuyện vui vẻ để làm”. Các đạo diễn đa phần chọn thể loại hài - tình cảm, phần còn lại đề cập đến hành động, phiêu lưu. Chiêu bài “danh hài + người mẫu, hot boy - hot girl” tái xuất hiện hàng năm. Có những diễn viên như Hoài Linh, Việt Hương xuất hiện tới hai phim trong cùng một dịp Tết. Một mùa phim chỉ toàn các công thức chung chung, lặp đi lặp lại. Với khán giả là sự nhàm chán đơn điệu. Còn với người làm phim là sự tàn sát lẫn nhau để tranh giành miếng bánh vốn đã ngày càng rút nhỏ.
Để phiên chợ cuối năm thêm phần máu lửa, phim ngoại bắt đầu tăng cường sức đổ bộ trong khi phim Việt hãy còn rập khuôn để tự dẫm chân nhau. Năm 2014 có Đại náo thiên cung 3D (thần thoại), năm 2015 có Đặc vụ Kingsman (điệp viên - hành động), Dragon Blade (Sử thi), năm 2016 có Deadpool (siêu anh hùng) và Mỹ nhân ngư (tâm lý - hài)...
Đa dạng về thể loại và đẳng cấp hơn về nội dung, phim ngoại dễ dàng chinh phục khán giả. Chỉ mất một tuần để Deadpool thu về 60 tỷ đồng ở Việt Nam. Mỹ nhân ngư mất 10 ngày để hốt 63 tỷ đồng. Còn đỉnh cao phòng vé Tết Bính Thân - Tía tôi là cao thủ của danh hài Hoài Linh mất ba tuần để có 53 tỷ đồng.
Tất cả vấn nạn trên đang có nguy cơ lặp lại trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Vẫn là phim hài, số lượng ồ ạt nhưng nội dung dẫm chân tại chỗ. Vẫn là sự đe dọa từ những tựa phim quốc tế. Trong số 8 phim ngoại chuẩn bị đối đầu 5 phim Việt tới, một phim của Thành Long, một phim của Châu Tinh Trì. Hai tên tuổi đảm bảo thu hút khán giả hơn hẳn phần còn lại.
“Né” Tết sẽ là tất yếu?
Chạy đi rồi tính có vẻ sắp mở ra một trào lưu gọi nôm na là “chạy đi khỏi Tết”. Phim Việt chiếu Tết đang đi vào lối mòn. Nếu tính doanh thu phim thành công nhất sau hai tuần đầu chiếu sẽ thấy: Năm 2013 - Mỹ nhân kế đạt 53 tỷ đồng, năm 2014 - Cô dâu đại chiến 2 đạt 40 tỷ đồng, năm 2015 - Quý tử bất đắc dĩ đạt 35 tỷ đồng. Năm 2013, có 7 phim Việt ra mắt, từ năm 2015-2017 sắp tới chỉ còn khoảng 5 phim mỗi dịp Tết.
Số liệu trên tỷ lệ nghịch với tốc độ bùng nổ điện ảnh trong nước và quốc tế. Điện ảnh thế giới liên tục bứt phá về doanh thu. Còn ở Việt Nam, các nhà phát hành ngày càng đẩy mạnh hoạt động, từ CGV cho tới BHD, Lotte Cinema, Galaxy… Năm 2006, cả nước có khoảng 20 rạp chiếu bóng, con số này tăng lên 300 vào năm 2013.
Do đó, không lạ khi có những đạo diễn mạnh dạn bước chân ra khỏi địa hạt phim Tết. Trường hợp điển hình như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đạo diễn của nhiều sản phẩm phim Tết thành công về doanh thu, chất lượng đã cho biết: “Trước đây, tôi làm phim Tết nhiều, vì hồi đó số lượng phim ít. Nhưng giờ số lượng tăng nhiều, thể loại bó buộc, tôi muốn làm phim đa dạng thể loại hơn nên đã chọn những thời điểm khác”.
Còn ở góc độ nhà phát hành, bà Ngô Bích Hạnh, đại diện BHD tiên đoán về tương lai của mùa phim Tết như là cuộc xâm lấn không thể ngăn cản của dòng phim ngoại: “Với BHD, quyết định của ê-kíp Chạy đi rồi tính báo hiệu một xu thế mới là phim Việt sắp sửa phải chạy khỏi Tết rồi. Có quá nhiều phim nước ngoài chiếu vào dịp Tết. Năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường phim lớn nhất thế giới. Thị trường Trung Quốc quá quan trọng, mà dịp lễ của họ và chúng ta lại trùng nhau. Do đó, các phim bom tấn nước này sẽ ra rạp vào dịp Tết. Ngoài ra, các hãng phim lớn của Hollywood cũng coi thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất năm sau, các phim từ Mỹ cũng sẽ dồn vào Tết. Nếu cứ sòng phẳng mà nói thì chắc không sớm thì muộn, mùa phim Tết sẽ không còn dành cho phim Việt nữa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận