Dự đoán năn nay sân bay Dubai sẽ đón 79 triệu hành khách |
Theo số liệu công bố tháng 1/2015, năm 2014, có 70,5 triệu hành khách đi/đến sân bay quốc tế Dubai, tăng 6% so với năm 2013 (66,4 triệu hành khách); Trong khi đó, sân bay Heathrow vốn luôn là sân bay bận rộn nhất từ trước tới nay, chỉ đón 68,1 triệu khách.
Dubai - Đầu tư mạnh
Bất chấp việc phải chuyển một số chuyến bay tới Al Maktoum - sân bay quốc tế lớn thứ hai ở Dubai do công tác sửa chữa hai đường băng tiến hành suốt mùa hè, sân bay Dubai vẫn đàng hoàng vượt lên Heathrow. Giám đốc điều hành sân bay Dubai Paul Griffiths dự đoán năm nay sẽ đón lượng khách quốc tế kỷ lục - 79 triệu hành khách.
Trước đó, sân bay Dubai đã vào danh sách xếp hạng những sân bay nhộn nhịp của thế giới trong nhiều năm, sau khi mở rộng để đón những loại máy bay thân rộng như Boeing 777 và Airbus A380. Năm 2013, Dubai xây một phòng chờ 20 cửa dành cho loại máy bay hai tầng A380. Tuy nhiên năm 2014, Dubai vẫn tiến hành xây dựng tiếp một phòng chờ mới phục vụ cho kế hoạch mở rộng trị giá 7,8 tỷ USD.
Tim Clark, Chủ tịch Hãng hàng không Emirates cho biết, sự phát triển vững chắc của ngành Công nghiệp hàng không Dubai là nhờ chính sách phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng tiến bộ: “Môi trường kinh doanh thuận lợi này đã thu hút hơn 120 hãng hàng không khác tới Dubai. Đối với Emirates, điều đó có nghĩa là chúng tôi cũng phải thận trọng”.
Khoảng 50% lượng khách qua sân bay Dubai là khách chuyển tuyến vì Emirates không giấu diếm chiến lược sử dụng những đội máy bay thân rộng để phục vụ hành khách bay từ châu Á và châu Đại Dương tới châu Âu, Mỹ và đổi máy bay tại đây. Năm 2014, Emirates đã chuyên chở 40 triệu hành khách và cùng với Fly Dubai giúp sân bay quốc tế Dubai mở đường bay tới 28 điểm đến mới.
Anh - Do dự
Heathrow mất vị trí số 1 là đòn đánh mạnh vào sự kiêu hãnh của người Anh. Ngay khi nhận ra mình tụt xuống vị trí thứ hai, các ông chủ của Heathrow lập tức buộc tội các chính trị gia. Willie Walsh, giám đốc điều hành British Airways tuyên bố: “Chúng ta đã mất vị trí đứng đầu bởi các chính trị gia thiếu quyết đoán đối với tầm nhìn. Đất nước này không có chính sách đối với ngành Công nghiệp hàng không”.
Sân bay Dubai được hậu thuẫn bởi sự bành trướng của Emirates và Hãng hàng không giá rẻ Fly Dubai. Cả hai hãng này đều thuộc sở hữu của Chính phủ, đồng thời là tập đoàn lèo lái nền kinh tế của Dubai. Hiện Emirate sở hữu 374 chiếc máy bay cả Boeing và Airbus trị giá 162 tỷ USD, bay tới 142 điểm đến ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới. Còn Fly Dubai cũng đang phát triển mạnh mẽ. Hành khách của hãng tăng 38% vào năm 2014 lên 6,8 triệu. Dựa vào những dự báo về tăng trưởng của Emirates và Fly Dubai, Dubai mới lên kế hoạch mở rộng sân bay để có thể đón 100 triệu khách vào năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ nước này còn có kế hoạch lớn nhằm mở rộng sân bay Al Maktoum để phục vụ 160 triệu khách vào cuối năm 2030. |
Trước đó, năm 2012, ông Walsh đã dự đoán Heathrow có thể mất vị trí số 1 về tay Dubai. Ông khẳng định các chính trị gia chưa bao giờ đồng ý với đề xuất xây dựng đường băng thứ 3 ở Heathrow; nhưng càng trì hoãn, nền kinh tế sẽ càng thiệt hại lớn.
Ông nói: “Đây không chỉ là vấn đề thuộc về hàng không. Nó là chuyện kết nối nước Anh với thế giới. Nó sẽ tạo ra công việc, cơ hội phát triển và danh tiếng cho nước Anh”.
Thông tin Heathrow rơi xuống vị trí thứ hai được tung ra cùng ngày ông chủ của sân bay này - Colin Matthews tuyên bố quyết định nghỉ hưu.
Ông Matthews cũng không ngần ngại cảnh báo trong tuyên bố nghỉ hưu: “Trong khi Frankfurt, Dubai, Paris tăng trưởng mạnh mẽ thì Heathrow không bắt kịp. Sân bay đã hoạt động hết công suất. Nếu chúng ta không mở rộng, sự tụt dốc của Heathrow sẽ khiến toàn bộ nước Anh trở thành một địa điểm kinh doanh kém hấp dẫn”.
Từ năm 2012, nước Anh đã thành lập một ủy ban do nhà kinh tế Sir Howard Davies đứng đầu để xem xét những phương án mở rộng hệ thống sân bay Anh. Tuy nhiên, Ủy ban này chỉ có thể đưa ra những khuyến nghị cuối cùng vào năm 2015.
Thị trưởng London Boris Johnson cũng ủng hộ xây dựng một sân bay trị giá 65 tỷ bảng Anh trên sông Thames, trong khi Gatwick đề xuất triển khai xây thêm đường băng thứ 2. Sir Howard Davies cho biết: “Việc xây dựng đường mới nên được thực hiện ở Gatwick hoặc Heathrow tuy nhiên chúng tôi vẫn đang thu thập những thông tin, dữ liệu liên quan. Vị trí xây dựng sẽ được thông báo cụ thể vào mùa hè năm 2015”.
Một phát ngôn viên của Heathrow tuyên bố: “Nước Anh đã được hưởng lợi nhiều nhờ việc sở hữu nhà ga hàng không và cảng biển lớn nhất thế giới trong suốt 350 năm qua. Chuyện đánh mất "vương miện" do thiếu hụt công suất là đương nhiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận