Tham vọng sân bay nghệ thuật
Theo bảng xếp hạng sân bay tốt nhất thế giới được Tổ chức Nghiên cứu vận tải hàng không Skytrax công bố năm 2023, sân bay Incheon được xếp hạng là sân bay tốt thứ 4 thế giới, chỉ sau sân bay Haneda ở Tokyo, sân bay Hamed ở Doha và sân bay Changi của Singapore.
Robot hướng dẫn Airstar thu hút sự chú ý của rất nhiều hành khách trẻ.
Song, đáng chú ý, Incheon còn đứng đầu ở hạng mục sân bay có đội ngũ nhân viên và quá trình xuất nhập cảnh tiên tiến nhất toàn cầu.
Trước đó, năm 2022, Incheon cũng là sân bay đầu tiên trên thế giới được Hội đồng Sân bay Quốc tế xếp vị trí cao nhất về trải nghiệm khách hàng.
Bật mí về định hướng của sân bay, ông Lee Hag-jae, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon cho biết, tập đoàn mong muốn phát triển Incheon không đơn thuần là nơi đưa đón hành khách mà trở thành sân bay thông minh, là điểm đến tham quan của khách hàng.
"Sân bay đang tiếp cận dịch vụ từ quan điểm của khách hàng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách hàng. Đồng nghĩa, sân bay cần có nhiều thứ hơn để xem, để giải trí và ăn uống. Về cơ bản là thỏa mãn mong muốn của tất cả mọi người", ông Lee nói.
Một nhân viên sân bay Incheon thử nghiệm quét nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục lên máy bay. Ảnh: Newsis.
Riêng về trải nghiệm văn hóa, sân bay Incheon có hẳn một trung tâm văn hóa truyền thống Hàn Quốc với rất nhiều hoạt động như triển lãm các tác phẩm truyền thống, biểu diễn truyền thống và các sự kiện để trải nghiệm văn hóa. Thay vì ngồi chờ bay trong chán nản, chăm chăm lướt điện thoại, hành khách từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội thăm thú, hiểu thêm về văn hóa cổ truyền của "xứ sở kim chi".
Không dừng ở đó, sân bay Incheon đang ấp ủ tham vọng lớn hơn là xây dựng một kho lưu trữ nghệ thuật khổng lồ trị giá hàng triệu USD với tổng diện tích sàn hơn 92 nghìn m2 ngay cạnh sân bay với mục đích hướng tới việc trở thành trung tâm nghệ thuật của châu Á.
Dự án mang tên Arshexa Freeport, được phát triển bởi một liên doanh 8 công ty do Arshexa (công ty Hàn Quốc) đứng đầu. Cơ sở lưu trữ nghệ thuật mới sẽ là một trong những cơ sở lớn nhất thế giới với 5 tầng bao gồm một tầng hầm và 138 phòng với nhiều kích cỡ khác nhau, tổng vốn đầu tư 283,3 triệu USD.
Dự kiến, kế hoạch xây dựng trung tâm lưu trữ sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024, hoàn thành vào năm 2026 và Arshexa sẽ được nhượng quyền vận hành trong 30 năm.
Đáng nói, đây chỉ là một phần trong kế hoạch tham vọng hơn của những nhà quản lý cảng hàng không quốc tế Incheon.
Ông Lee Woohyung, Giám đốc điều hành Arshexa cho biết, mục tiêu cuối cùng của dự án là thành lập trung tâm nghệ thuật, biến nơi đây thành sân bay văn hóa và nghệ thuật. Sau trung tâm này, liên doanh các công ty sẽ xây dựng thêm bảo tàng, hội chợ nghệ thuật và các cửa hàng ăn uống.
Sân bay thông minh hơn, giảm thời gian làm thủ tục
Bên cạnh không khí văn hóa truyền thống, sân bay quốc tế Incheon còn được biết đến với sự chuyển mình trở thành sân bay thông minh.
Một buổi trình diễn diễu hành, tái hiện cuộc sống hằng ngày của Vua và Hoàng hậu cùng những người hầu cận trong triều đại Joseon.
Mới nhất vào tháng 7/2023, sân bay Seoul triển khai thẻ thông minh (Smart Pass ICN) - một loại giấy phép miễn hộ chiếu cho hành khách đi máy bay, giảm thời gian lên máy bay xuống chỉ còn vài giây.
Sử dụng Smart Pass, hành khách có thể đăng ký trước thông tin cá nhân như sinh trắc học, hộ chiếu, thẻ lên máy bay qua ứng dụng di động và tới đây là quầy tự động làm thủ tục tại sân bay sau khi quầy được lắp đặt xong. Sau khi hoàn tất lắp đặt, thông tin sinh trắc học có thể được lưu trữ trong vòng 5 năm.
Hệ thống này sẽ dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, blockchain, trí thông minh nhân tạo để loại bỏ quy trình xuất trình hộ chiếu, vé và thẻ lên máy bay nhiều lần so với cách lên máy bay truyền thống. Dịch vụ SmartPass giúp rút ngắn thời gian kiểm tra an ninh, làm thủ tục tại cổng lên máy bay tới 40% so với thông thường.
Hiện tại, dịch vụ tự động này mới áp dụng với một số hãng hàng không như: Korean Air, Asiana Airlines, Delta Air Lines, Jeju Air, Jin Air, T’way Air và ở hai cổng lên máy bay. Trong tương lai, dịch vụ này sẽ dần dần mở rộng trên nhiều cổng và với nhiều hãng hàng không hơn.
Bà Do Kyung-yun, đại diện cảng hàng không quốc tế Incheon tiết lộ: "Đến thời điểm hiện tại, hơn 300.000 người đã đăng ký mã SmartPass ID trong đó có khoảng 1.500 hành khách sử dụng dịch vụ SmartPass mỗi ngày".
Bên cạnh đó, hành khách tới sân bay Incheon lần đầu tiên có thể dễ dàng nắm rõ thông tin nhờ robot thông minh mang tên Airstar. Robot trí tuệ nhân tạo được Incheon áp dụng từ năm 2018 để giải đáp thắc mắc của hành khách, hướng dẫn những nơi khách muốn đến, thậm chí chụp ảnh cho hành khách.
Sau đó 4 năm, Incheon có thêm robot do Baemin - nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn - ra mắt cho phép giao cà phê, thực phẩm tới hành khách. Để đặt đồ ăn, hành khách không cần vất vả tìm kiếm trong sân bay mà có thể quét mã QR trên ghế ngồi tại sân bay bằng ứng dụng Baemin để đặt hàng. Người không dùng ứng dụng có thể truy cập vào trang web của công ty và thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Robot có hai khoang, có thể mang tối đa 17kg. Theo kết quả khảo sát, có tới 92% người dùng hài lòng với dịch vụ robot tại sân bay Incheon.
Chia sẻ về kế hoạch sân bay thông minh, ông Myojung (MJ) Koh, Giám đốc nhóm quản lý dự án sân bay thông minh của Cảng hàng không Quốc tế Incheon cho biết, nhóm của ông đã lập kế hoạch sân bay thông minh bao gồm 100 nhiệm vụ để áp dụng các công nghệ mới nhất nhằm tối đa hóa trải nghiệm của hành khách ở ba khía cạnh: Quy trình, dịch vụ và vận hành.
Trong tương lai, theo kế hoạch của Seoul, hành khách không cần phải rời khỏi nhà với hành lý nặng nề hoặc lãng phí thời gian tìm chỗ đậu xe nhờ có ứng dụng di động được cá nhân hóa và robot.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận