Ước tính số phương tiện giao thông tại Hà Nội đã lên tới hơn 6,6 triệu xe
Chưa có số liệu đánh giá chính thức nguồn phát thải ô nhiễm
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, sáng nay 14/1, chất lượng không khí lại ở mức xấu với AQI lên tới gần 200. Do đó, cơ quan này cảnh báo nhóm đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, cần tránh hoạt động ngoài trời.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, dù chưa có số liệu đánh giá chính thức của cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm, tuy nhiên nguồn khí thải, bụi từ hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí bên cạnh các nguồn từ xây dựng, sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nguồn khí thải liên tỉnh, liên vùng kết hợp với điều kiện khí hậu thời tiết bất lợi.
Được biết, từ những năm 2000 đã có một số nghiên cứu của tổ chức, cá nhân về tỉ lệ đóng góp của các nguồn phát thải vào ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Cụ thể kết quả nghiên cứu về thành phần bụi PM2.5 của Cohen et al., trong giai đoạn 2001-2008 cho thấy: Phương tiện giao thông (40%), bụi cuốn từ đất (3.4%), Sulfates thứ cấp (7.8%), đốt sinh khối (13%), ngành xi măng và sắt thép (19%), đốt than (17%).
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác năm 2013 lại cho rằng: Bụi thứ cấp hình thành do quá trình phản ứng hoặc tương tác giữa những chất thải phát trực tiếp với môi trường chiếm 40%, phương tiện giao thông chạy dầu Diesel (10%), nấu ăn (16%), Sulfates thứ cấp (16%), muối biển (11%), công nghiệp (6%).
Về thành phần bụi Nano, một nghiên cứu trong năm 2020 chỉ ra: Giao thông (xe chạy xăng và dầu) chiếm 46,28%, bụi thứ cấp chiếm 31,18%, dân cư/thương mại chiếm 12,23%, công nghiệp chiếm 6,05%, bụi cuốn/xây dựng chiếm 2,92%.
Tới năm 2025, sẽ kiểm soát, dự báo ô nhiễm không khí?
Theo ông Lê Hoài Nam, Viện Khí tượng Phần Lan phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, cùng các trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội... đang thực hiện nghiên cứu thành phần bụi PM2.5 tại Hà Nội.
Từ năm 2021, Bộ TN&MT cùng UBND các tỉnh, thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm kê các nguồn phát sinh khí thải, bụi để có được số liệu tỷ lệ đóng góp chính xác phục vụ cho công tác quản lý.
“Cần tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; rà soát, điều chỉnh và thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam”, ông Nam thông tin.
Liên quan tới đề xuất của Bộ TN-MT về việc thu hồi các phương tiện giao thông cũ nát tại Hà Nội và TP.HCM nhằm giảm thải ô nhiễm không khí, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định không thể thực hiện.
“Xe cũ nát mấy cũng vẫn là tài sản cá nhân. Chính vì thế, cơ quan quản lý không thể xử lý theo hướng tịch thu tài sản. Trong khi đó, tới nay vẫn chưa có quy định xe bị thải bỏ, cấm lưu hành”, ông Tùng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận