Với việc Hiệp định CPTPP được phê chuẩn, Công đoàn Việt Nam sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động (Ảnh minh họa) |
Lo ngại phần tử phản động núp bóng
Theo dự kiến chương trình, chiều nay (12/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Đây là một hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng và được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội lớn đối với Việt Nam. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là cam kết trong chương Lao động của hiệp định này, cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Để tận dụng nhiều lợi ích mang lại cho đất nước từ Hiệp định CPTPP, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định đảm bảo cam kết của chúng ta với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện. Điều này nhằm không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống, phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. “Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động”, ông Hiểu nói. |
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận, đây sẽ là một thách thức lớn nên cần đưa ra các quy định để quản lý sao cho hợp lý, nếu không sẽ làm tình hình phức tạp. Theo nhận định của ông Cường, sẽ có ít nhất 3 dạng thức của tổ chức này. Một là tổ chức do người lao động tự nguyện thành lập – đây là một hình thức tốt. Hai là tổ chức do chủ sử dụng lao động lập ra để thao túng, chi phối. Và nguy hiểm nhất là dạng thức thứ ba, tổ chức dưới danh nghĩa đại diện của người lao động nhưng lại do các tổ chức, phần tử phản động thành lập, núp bóng để lợi dụng, tiềm ẩn nguy cơ cao về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, theo ông Cường, khi phê chuẩn hiệp định này, cấp uỷ địa phương cần tập trung chỉ đạo hết sức cẩn trọng, có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế được những vấn đề phức tạp có thể xảy ra.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu cũng nhìn nhận, bên cạnh những thời cơ, việc “chưa từng có tiền lệ” này sẽ mang lại những thách thức rất lớn. Ông Hiểu cho rằng, khi tổ chức này ra đời, Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về mọi khía cạnh như thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực tài chính. Trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị thì tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động.
Bên cạnh đó sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công… “Nhiều thách thức là thế nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình”, ông Hiểu nói.
Công đoàn không làm tốt, lực lượng sẽ phân tán
Đó là cảnh báo của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khi nhận định về vấn đề này. Đối với tổ chức đại diện người lao động tại công đoàn, ông Lợi cho rằng, đây phải là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị.
Theo ông Lợi, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nhưng cơ hội đối với tổ chức công đoàn rõ hơn. Từ sự ra đời của một tổ chức khác, Công đoàn không còn là duy nhất nên buộc phải vươn lên, thay đổi để thực hiện sứ mệnh lịch sử, thu hút các lực lượng lao động tham gia vào tổ chức của mình, nếu không làm tốt thì lực lượng lao động sẽ phân tán sang tổ chức đại diện của người lao động.
Theo ông Lợi, tính đến nay, Công đoàn đã có hơn 10 triệu đoàn viên, một con số rất lớn. Nếu không trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động, thay vì chỉ “mạnh” về thăm hỏi ốm đau, động viên hiếu hỉ thì Công đoàn rất khó giữ chân được người lao động.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, tổ chức đại diện của người lao động ra đời là tổ chức tự nguyện. Tuy nhiên, khi sửa những luật liên quan, trong đó có Bộ luật Lao động thì phải quy định 1 cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt, xác định cho thành lập hay không thành lập tổ chức đại diện của người lao động này. Bởi lẽ, không ai dám chắc tổ chức mới ra đời sẽ đảm bảo được quyền lợi của người lao động tốt hơn Công đoàn, chưa biết chừng họ còn ăn lương của “ông chủ” để quay lưng lại với quyền lợi chính đáng của người lao động.
ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng đánh giá, đây thực sự là thách thức mới, đòi hỏi có giải pháp cụ thể. Vấn đề này có thể xử lý được để tăng hiệu quả, tính hấp dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận