Bóng đá

Khi V-League là cuộc chơi riêng của Hà Nội FC

23/09/2019, 07:00

Hà Nội FC vừa có chức vô địch V-League thứ 3 trong 5 mùa giải gần nhất. Hai mùa còn lại đội bóng Thủ đô đều nằm trong Top 3.

img
Hà Nội FC vượt trội so với phần còn lại của V-League

Những con số này chỉ ra sự vượt trội của Hà Nội FC và cũng là tiếng chuông báo động cho phần còn lại.

Thế độc tôn của Hà Nội FC

Vòng 24 V-League 2019 chứng kiến Hà Nội FC lên ngôi vô địch sau khi đánh bại SLNA với tỉ số 1-0. Nhìn lại từ đầu giải, đội bóng Thủ đô khởi đầu không thực sự tốt, đã có thời điểm tụt lại khá xa so với TP HCM nhưng vẫn thể hiện được bản lĩnh ở thời điểm then chốt. Từ vòng 19 đến vòng 24, đại diện Thủ đô thắng liền một mạch 6 trận, trong khi TP HCM có dấu hiệu hụt hơi và cuộc đua vô địch đã ngã ngũ sớm trước hai vòng đấu. Trên thực tế, việc Hà Nội FC vô địch không hề bất ngờ bởi xét thực lực, kinh nghiệm đua đường dài và bản lĩnh trận mạc, đội bóng áo tím hơn hẳn đoàn quân tới từ thành phố mang tên Bác.

Với việc lên ngôi tại V-League 2019, Hà Nội FC đã có 3 chức vô địch trong 5 năm gần nhất (2016, 2018 và 2019). Mùa giải 2015, đội chủ sân Hàng Đẫy về thứ 2 còn mùa giải 2017 họ cán đích ở vị trí thứ ba. Tính rộng hơn, chỉ sau 13 năm hình thành, phát triển, Hà Nội FC vô địch V-League tới 5 lần, qua đó sánh ngang với Thể Công, trở thành đội bóng xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Những con số thống kê này phần nào cho thấy sự vượt trội của Hà Nội FC so với phần còn lại.

V-League từng chứng kiến những cái tên khác có giai đoạn thành công như HAGL, Đồng Tâm Long An (nay là Long An), B.Bình Dương, SLNA, Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay tất cả đều đã phải nhường lại sân khấu cho Hà Nội FC. Nói một cách dễ hiểu, đội chủ sân Hàng Đẫy đang đi trên con đường phát triển bền vững.

Theo cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, thành công của Hà Nội FC là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. “Họ được đầu tư mạnh mẽ, đều đặn từ bầu Hiển. Nền tảng tài chính ổn định giúp Hà Nội FC yên tâm thực hiện các kế hoạch chuyên môn. Họ cũng luôn chiêu mộ được những ngoại binh vào loại tốt nhất Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất làm nên thành công của Hà Nội FC là sự đồng bộ trong cả hệ thống, từ đào tạo trẻ đến thi đấu chuyên nghiệp. Nhờ vậy, các cầu thủ trẻ khi được đôn lên chơi ở đội 1 luôn thích nghi rất tốt, tạo ra đội ngũ kế cận liên tục và đội hình có chiều sâu”, ông Vinh nhận xét.

Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng yếu tố cốt lõi biến Hà Nội trở thành một thế lực lớn của bóng đá Việt Nam là do người đứng đầu có định hướng rõ ràng: “Hà Nội ngay từ khi thành lập, từng bước tiến lên V-League rồi khẳng định vị thế của mình đều có kế hoạch rõ ràng, cách làm chuyên nghiệp, bài bản. Nếu tính từ giai đoạn bóng đá Việt Nam chuyển mình sang chuyên nghiệp, Hà Nội là cái tên thành công nhất. Đội bóng Thủ đô biết cách duy trì phong cách chơi, từ đó tạo nên truyền thống. Cộng với lực lượng hiện tại, nếu Hà Nội FC vô địch thêm 2-3 mùa nữa cũng là điều dễ hiểu”.

Chờ làn gió mới từ cảm hứng TP HCM

Ở một góc nhìn khác, việc Hà Nội FC thể hiện sự vượt trội so với phần còn lại của V-League cũng là tiếng chuông báo động cho nền bóng đá. Tính cạnh tranh, chất lượng chuyên môn tại V-League vì thế sẽ giảm sút. Bằng chứng cụ thể là nhiều trận đấu nhàm chán, không có dấu ấn chiến thuật mà gần như chỉ đua sức. Theo cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, sở dĩ để xảy ra thực trạng này là do hầu hết các CLB đều chưa có hướng đi rõ ràng, làm ăn theo kiểu được đến đâu hay đến đó.

“Tôi nói đơn cử như công tác đào tạo trẻ ở nhiều CLB chưa được coi trọng hoặc chưa đúng chuẩn nên dù đội nào cũng làm tuyến trẻ nhưng rất ít đội tạo ra được các cầu thủ chất lượng như Hà Nội. Chính bởi vậy, song song với đầu tư, việc đào tạo cũng cần được chú trọng. Muốn đào tạo tốt thì ngoài hạ tầng còn cần các HLV giỏi, ứng dụng được khoa học và sự tiên tiến của bóng đá thế giới. Khi đó, các đội bóng sẽ có nguồn cầu thủ tốt để xây dựng lối chơi mang tính bản sắc và trở thành những đối trọng của Hà Nội”, ông Vinh nói.

Về phần mình, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, sở dĩ V-League thiếu những đội bóng đủ sức cạnh tranh với Hà Nội FC là do các doanh nhân tham gia vào đời sống bóng đá chưa đủ lực để đầu tư lâu dài, bền bỉ: “Bầu Hiển đầu tư cho Hà Nội hơn 10 năm qua và có lẽ chỉ đứng sau bầu Đức về thời gian đến với bóng đá. Nhưng đến nay ông bầu này vẫn cho thấy mình chưa muốn dừng lại, muốn đưa Hà Nội vươn cao hơn. Đó là sự hậu thuẫn quan trọng giúp Hà Nội có được thành quả như ngày hôm nay. Ngược lại, nhiều đội bóng ở V-League hiện tại đến trả lương cho cầu thủ còn khó khăn. Không phải họ không muốn đua mà không đủ lực để đua”.

Mặc dù vậy, bình luận viên Quang Tùng cũng hi vọng, trong một vài mùa giải tới, sẽ xuất hiện vài đội bóng có thể chạy đua cùng Hà Nội. “TP HCM không phải là đội bóng quá giàu nhưng dưới thời HLV Chung Hae-seong, họ được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp nên đã tạo được ấn tượng mạnh. TP HCM không thể vô địch do thiếu chiều sâu đội hình và nếu được bổ sung thêm lực lượng dựa vào bộ khung hiện tại, họ chắc chắn sẽ mạnh hơn vào năm sau. Câu chuyện của TP HCM cũng sẽ là niềm cảm hứng cho các CLB khác vươn lên khẳng định mình. Thật khó để yêu cầu tất cả 14 đội V-League đều đua vô địch nhưng khoảng 4-5 đội cùng cạnh tranh thì giải đấu chắc chắn hấp dẫn hơn”.v

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.