Chuyện dọc đường

Khi vận tải khách mất "quyền tự quyết"

10/11/2021, 06:26

Khó khăn nhất hiện nay đối với vận tải khách là nhu cầu đi lại của người dân rất thấp.

Hiện nay, riêng các tỉnh phía Bắc mới hoạt động được khoảng 10% số tuyến nối về Hà Nội, số khách chỉ bằng 5% so với trước dịch.

Dịch bệnh có chiều hướng bùng phát nên chuyện người dân tỏ ra dè dặt, chỉ người có nhu cầu tối cần thiết mới di chuyển cũng là điều không khó để lý giải.

Quả thực, nếu dịch bệnh vẫn cứ diễn biến phức tạp, vận tải khách sẽ không biết khi nào mới có thể thoát được vòng xoáy khó khăn.

img

Sân đón khách bến xe Giáp Bát vắng vẻ, đìu hiu chỉ có một vài hành khách

Trong khi đó, có một lượng lớn xe dù hoạt động trái phép đang bị buông lỏng kiểm tra xử lý, gây khó cho vận tải tuyến cố định, với số lượng rất ít đang cố gắng hoạt động lại.

Không những trực tiếp đẩy các nhà xe làm ăn chân chính vào tình cảnh khó khăn hơn, xe dù còn khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, do không ai kiểm soát.

Trong kinh tế thị trường, có cầu mới có cung, không còn cách nào khác là vận tải phải kiên trì chờ đợi. Các doanh nghiệp vận tải giờ đây không có “quyền tự quyết” mà giờ đây tất cả phụ thuộc vào việc khi nào thì các hoạt động trở lại bình thường, nhu cầu di chuyển của hành khách lại tăng cao.

Trong khi đó, chúng ta cũng không thể dùng biện pháp hành chính đơn thuần là có thể giải quyết được vấn đề. Nếu kiểm soát tốt dịch, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, nhu cầu đi lại tăng cao, khi đó vận tải mới hoạt động trở lại như trước được.

Giải pháp trước mắt, để doanh nghiệp không phải dừng hoạt động, đáp ứng số ít phương tiện hoạt động phục vụ nhu cầu của hành khách, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải được triển khai nhanh chóng.

Nếu còn thủ tục nào rườm rà, điều kiện nào “đánh đố” doanh nghiệp vận tải thì cần sửa đổi ngay để họ có thể thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất.

Không chỉ gặp khó về lượng hành khách dù vận tải khách liên tỉnh đã mở lại từ lâu, hiện nay các doanh nghiệp vận tải vẫn đang phải gánh rất nhiều thuế, phí, lãi suất ngân hàng. Đó là còn chưa kể đến giá xăng dầu tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến các đơn vị vận tải. Vì thế, nếu không được hỗ trợ kịp thời, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải bỏ cuộc.

Để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tạo đà khôi phục, có nguồn thu trả nợ dần, nên xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, khoanh nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022...

Tuy nhiên, cách bền vững nhất để vận tải hoạt động ổn định là nhanh chóng tiêm phủ vaccine cho cả người dân và lái xe.

Bởi hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố tỷ lệ người dân được tiêm vaccine còn rất thấp. Vì vậy, trước hết cần sớm tăng độ phủ tiêm vaccine, khi người dân cảm thấy an toàn trong đi lại thì mới thúc đẩy được vận tải khách từng bước khôi phục.

Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.