Chuyện dọc đường

Khi xử lý vi phạm không còn vùng cấm

14/08/2018, 09:00

Sự vào cuộc của các địa phương và lực lượng chức năng, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao...

13

Tài xế xe 16 chỗ BKS 14B-013.59 bị phạt lỗi điều khiển xe ô tô vận chuyển hành khách nhưng lại để hàng trong khoang chở khách

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bến cóc, xe dù tồn tại, các xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách “trá hình” như xe vận tải khách tuyến cố định có dấu hiệu gia tăng dẫn đến tình trạng mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo trật tự ATGT, gây bức xúc trong xã hội.

Trên thực tế, bến cóc, xe dù, xe trá hình vận tải khách không phải là hiện tượng mới phát sinh, mà đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Khung pháp lý để xử lý vi phạm này đã có từ lâu, thẩm quyền đã giao cho các lực lượng chức năng, nhưng vì nhiều lý do, bến cóc, xe dù, xe trá hình vẫn ngang nhiên tồn tại, hiện diện ở khắp các tỉnh, thành.

Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi, có hay chăng sự bảo kê, dung túng đến từ các cá nhân hoặc nhóm lợi ích đằng sau những chuyến xe trá hình, những bến cóc hoạt động công khai. Những câu hỏi này không phải không có cơ sở, bởi những chuyến xe chở vài chục con người, ngày nào cũng công khai đưa đón khách, chạy qua nhiều điểm chốt kiểm soát của lực lượng chức năng nhưng vẫn ung dung tồn tại có khác nào câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?

Trong cuộc họp tổng kết công tác đảm bảo TTATGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã thẳng thắn nêu lên biểu hiện của việc thiếu hiệu lực và chất lượng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, thậm chí dung túng vi phạm, làm mất uy tín và hình ảnh của cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này gây hệ lụy gia tăng tình trạng người tham gia giao thông, chủ phương tiện thiếu ý thức chấp hành pháp luật ATGT.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm vi phạm pháp luật từ cả phía người thừa hành công vụ và người vi phạm pháp luật giao thông. Không để tình trạng cứ vi phạm giao thông lại rút điện thoại gọi người thân can thiệp, khiến người xử lý vi phạm chùn tay; hoặc có chuyện không xử lý vi phạm để “dấm dúi” với nhau.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải, không để tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc gây mất trật tự ATGT trên địa bàn. Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng có Chỉ thị 04/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc.

Thực hiện những chỉ đạo trên, các địa phương đang tổ chức các đợt cao điểm chấn chỉnh trật tự vận tải hành khách, xóa sổ bến cóc, xe dù với nhiều giải pháp, cách làm tùy thuộc vào tình hình thực tế địa phương. Trong đó, giải pháp lập Tổ liên ngành, giao cho Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh làm Tổ trưởng như ở Quảng Ninh cũng là một cách làm sáng tạo, bước đầu cho thấy hiệu quả tốt.

Vì vậy, việc lập Tổ liên ngành với sự chủ trì của Văn phòng Ban ATGT tỉnh - một lực lượng khá xa lạ với các doanh nghiệp vận tải, tài xế, sẽ khiến công tác xử lý vi phạm giao thông nói chung, trong đó có vi phạm trong hoạt động vận tải khách, sẽ cơ bản khắc chế được sự dung túng, bảo kê nếu có trước đó. Ngoài ra, các tổ liên ngành sẽ phát huy sức mạnh tổng lực, phát huy thế mạnh, khắc phục yếu điểm của từng lực lượng, xóa bỏ vùng cấm để từ đó nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.