Vì sao không “xả” quỹ để kìm hãm đà tăng giá?
Kể từ kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay, giá xăng tăng liên tiếp 5 lần, tương ứng với mức tăng gần 3.000-3.200 đồng tuỳ loại. Hiện giá xăng RON 95 III lên ngưỡng 24.601 đồng/ lít. E5 RON 92 ngưỡng 23.339 đồng/lít.
Đây là xu hướng tăng giá khá mạnh trong thời gian ngắn, trong khi đó, giá xăng dầu thế giới không diễn biến tăng bất thường như các năm 2022.
Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã qua 24 lần điều chỉnh định kỳ của liên Bộ Công thương - Bộ Tài chính, trong đó có 13 lần điều chỉnh tăng và 7 lần điều chỉnh giảm, hơn 3 lần giữ nguyên.
Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh đó mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của liên Bộ chưa bám sát được xu hướng tăng giá này, nên không có điều chỉnh phù hợp.
Giá xăng dầu tăng liên tục trong nhiều tháng, nhưng quỹ bình ổn chi nhỏ giọt.
Nhiều người băn khoăn “Vì sao không ‘xả’ quỹ bình ổn để kìm hãm đà tăng giá”.
Thực tế, với mặt hàng xăng, chi sử dụng tại các kỳ điều chỉnh giá trong tháng đầu tiên của năm. Tổng 3 lần chi với xăng RON95-III là 1.453 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 1.321 đồng/lít.
Tương tự, chỉ có một lần với dầu diesel là 300 đồng; dầu hỏa 400 đồng và 3 lần chi với dầu mazut 850 đồng.
Trong khi đó, vẫn tăng trích giữ quỹ liên tục nên quỹ tăng mạnh, từ 4.517 tỷ đồng vào cuối năm 2022, đến cuối tháng 7/2023 đã vọt lên 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so đầu năm.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 7, quỹ bình ổn tăng mạnh nhưng việc chi rất nhỏ giọt và không được duy trì trong những thời điểm giá thế giới tăng mạnh.
Theo vị này, giá xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày luôn phản ánh đúng quy luật thị trường. Nhưng trong nước quản lý điều hành theo chu kỳ 10 ngày một lần, nên tạo nên độ vênh giá rất lớn.
Do đó, cần sự nhịp nhàng của cơ quan điều hành. Quỹ bình ổn là công cụ duy nhất, song lại không được sử dụng hợp lý.
Lặp lại điều hành giât cục?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông, ngay từ năm ngoái việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.
“Nhà điều hành sai lầm khi chi quỹ quá nhiều vào thời điểm giá tăng liên tục (đầu năm 2022), song lại không dự báo được giá sẽ còn tăng cao sau đó (từ tháng 4-6/2022). Điều này để xảy ra tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh thì hết quỹ, và lúc ấy lại đi trích quỹ thì lại càng bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá”, ông Thoả nói.
Với việc trích lập hiện nay, ông Thoả cho rằng, có dấu hiệu lặp lại những bất ổn trong điều hành.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước 11/1 - 21/8.
Bởi thực tế, hiện nay là thời điểm kinh tế đang “tổn thương”, rất cần bình ổn giá, nhất là mặt hàng dầu diesel - chiếm 60% tổng sản lượng nhiên liệu trên thị trường.
“Dầu diesel liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, ngành vận tải, ngành sản xuất công nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ… Do vậy, việc tăng giá liên tục thời gian qua với mặt hàng này, nhưng nhà điều hành vẫn không chi quỹ là sai lầm”, ông Thoả nhận định.
Việc chi nhỏ giọt quỹ lại càng khó hiểu khi trước đó Bộ Công thương tính toán, trong quý III, giá xăng trong nước cao nhất chỉ có thể lên ngưỡng 23.049 đồng/lít - tức, giá dự báo thấp hơn giá thực tế hiện nay.
Được hiểu là, mức giá hiện nay có thể đã là tới hạn. Nếu như vậy, việc giữ quỹ vô hình chung làm ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế, gây khó khăn cho người dân… trái với mục tiêu quỹ đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận