Dự án xây dựng đường Hương lộ 2 có chiều dài toàn tuyến khoảng 1,8km. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai để “chia lửa” với QL51 đang quá tải qua TP. Biên Hòa.
Ngoài nguyên nhân vướng mặt bằng, hiện công trình đang nằm trong phạm vi phong tỏa nên phải thi công cầm chừng. Trên công trường lác đác bóng dáng công nhân…
Nhiều dự án giao thông trọng điểm ở Đồng Nai đang lao đao vì dịch Covid-19 hoành hành.
Thi công cầm chừng
Cầu An Hòa 2, khởi công tháng 4/2021. Liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Cty Tuấn Lộc) và Công ty TNHH Cường Hùng phụ trách thi công. Nhiều ngày qua do mặt bằng được bàn giao dạng “da beo” đang thi công cầm chừng. Nay khó khăn thêm chất chồng vì đường bị phong tỏa, vật liệu, máy móc, nhân lực không thể đưa đến công trường.
Kỹ sư Bùi Xuân Chính, cán bộ kỹ thuật Cty Tuấn Lộc cho biết, đơn vị phụ trách thi công cầu An Hòa 2, hệ thống thoát nước và 300m đường dẫn. Tuyến đường Nguyễn Văn Tỏ (phường Long Bình Tân) vận chuyển thiết bị vật liệu đến công trường đã bị rào chắn phong tỏa nên không thể triển khai các hạng mục tiếp theo.
“Hiện chúng tôi chỉ bố trí được 20 kỹ sư, công nhân thi công cầu. Mong muốn của nhà thầu thời gian tới chủ đầu tư sớm bàn giao thêm mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Chính nói.
Thi công trên công trường dự án cầu An Hòa 2.
Tương tự, tại gói thầu xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, Liên danh TCT Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) và Công ty TNHH Phúc Hiếu phụ trách thi công cũng đang khóc dở vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Sau gần 10 tháng khởi công nhà thầu đã thi công xong mố M1, các bệ, thân trụ T1, T2, T3, đóng cọc và phần sàn giảm tải và tường chắn đoạn đường đầu cầu phía mố M1. Hiện nay việc triển khai thi công hạng mục tiếp theo đang bị khựng lại cũng do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo đánh giá của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án xây dựng. Đa phần cán bộ kỹ thuật cũng như nhân công làm việc tại công trình sinh sống tại TP.HCM. Do đó, việc huy động nhân công, vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công công trình bị gián đoạn.
Trao đổi với PV, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và xây dựng tỉnh cho biết, những khó khăn ở dự án đường Hương lộ 2 cũng là những khó khăn chung của các dự án trọng điểm ở địa phương.
“Một số cán bộ kỹ thuật, kỹ sư ở trong vùng cách ly phong tỏa nên không thể đến công trường làm việc, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực, ảnh hưởng tiến độ chung các dự án”, ông Ngô Thế Ân cho biết.
Nhiều gói thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều trở ngại vì xe cộ ra vào công trường gặp khó.
Cần cấp phép “luồng xanh” cho xe vào công trường
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đến nay, những mét đường đầu tiên của tuyến cao tốc này đã được thi công cấp phối đá dăm để chuẩn bị thảm nhựa bê tông lớp đầu tiên.
Tuy nhiên, các nhà thầu thi công cao tốc cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh các khâu cung ứng vật liệu, cát, đá… thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng lớn tiến độ thi công. Các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách, một số khu vực bị phong tỏa để phòng chống dịch nên việc huy động nhân công, cán bộ kỹ thuật của các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Huấn, PGĐ Ban QLDA Thăng Long cho rằng dịch Covid-19 ở Đồng Nai, Bình Thuận diễn biến phức tạp tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến quá trình tập kết vật liệu, nhân lực thi công.
Theo ông Huấn hiện trên công trường có hơn 1.000 người lao động và xe máy thi công. Để đảm bảo tiến độ dự án cũng như giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực đã huy động đến công trường, Ban đã đề nghị UBND tỉnh, chính quyền địa phương sớm có biện pháp tháo gỡ.
Việc cấp phép “luồng xanh” cho phép các xe chở vật liệu, thiết bị qua chốt kiểm dịch để vào công trường (đến công trường hạ tải và quay lại) rất cần thiết. Trên quãng đường đi các xe này phải tuân thủ nghiêm phòng chống dịch theo quy định hiện hành và các hướng dẫn của địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận