Hạ tầng

Khó khăn vốn đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM

09/11/2021, 14:00

Tuyến đường có vai trò kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm tải cho QL1.

Tuy nhiên, việc sắp xếp nguồn vốn để triển khai thực hiện đang là bài toán khó đối với các địa phương được giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Theo chân tài xế trên con đường độc đạo

Hiện nay, tuyến QL1 đi qua 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An là trục đường huyết mạch kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên trong những năm qua với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mật độ phương tiện dày đặc, tuyến QL1 đã trở nên quá tải, ngày càng xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu lưu thông.

img

Hướng tuyến dự kiến của đường Vành đai 4 TP.HCM

Trải nghiệm thực tế bằng một chuyến đi trên cung đường này, PV Báo Giao thông đã theo chân tài xế xe tải Nguyễn Văn Thắng, người chuyên thực hiện nhiệm vụ giao hàng từ Tân An (Long An) đến chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, Đồng Nai).

Với một hành trình khoảng 120km, phải mất rất nhiều thời gian, chiếc xe mới hoàn tất hành trình do liên tục phải di chuyển với tốc độ chậm.

Tài xế Nguyễn Văn Thắng cho biết, hàng ngày cánh tài xế đi giao hàng nông sản về Đồng Nai trung bình chỉ được 2 chuyến, lộ trình duy nhất là đi trên QL1.

Do tình trạng kẹt xe trên tuyến này diễn ra thường xuyên nên việc giao hàng muộn là phổ biến. Trong đó căng thẳng nhất là đoạn qua TP.HCM, đường hẹp, xe dày đặc, nhiều điểm giao cắt, chỉ cần xảy ra một vụ va chạm giao thông là kẹt xe nhiều giờ liền, các tài xế buộc phải chôn chân tại chỗ.

Theo tài xế Thắng, các “điểm đen” giao thông trên QL1 thường xuyên xảy ra kẹt xe có thể kể đến là đoạn qua Tân Túc (Bình Chánh, TP.HCM), ngã tư An Sương (giao QL22 đi Tây Ninh), cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương), đặc biệt là ngã ba Tân Vạn đến cầu Đồng Nai, đây là điểm giáp ranh TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. “Trước đây chúng tôi có nghe mở đường Vành đai 3 và 4 nhưng nhiều năm rồi chẳng thấy đâu”, anh Thắng nói.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn

Dự án đường Vành Đai 4 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/9/2011, dự án có tổng chiều dài 197,6km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200km), với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. Dự án đi qua 5 tỉnh, thành là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21km bằng nguồn ngân sách địa phương và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch, còn Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25km.

Sau khi hình thành, tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM được kỳ vọng giải tỏa lưu lượng giao thông trên tuyến QL1, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài 18km. Tỉnh Đồng Nai triển khai đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài 45km. Tỉnh Bình Dương triển khai đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài 49km.TP.HCM triển khai đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài 17km.

Tỉnh Long An triển khai đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài 71km.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây tỉnh đã có văn bản giao Sở GTVT khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án thành phần của đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh, đảm bảo khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thực hiện ngay.

Tỉnh cũng giao Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng sắp xếp nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án; đồng thời đề xuất tính chất phát triển của khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 trong quy hoạch, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường.

Về thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1), theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công trình dự kiến kéo dài 5 năm từ 2022 - 2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay dự kiến 218,41 tỷ đồng).

Trong đó, ngân sách của tỉnh hỗ trợ chi phí bồi thường, GPMB khoảng 1.596 tỷ đồng; chi phí đầu tư còn lại khoảng 5.029 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách theo hợp đồng BOT và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác xây lắp.

Tại TP.HCM, theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được phê duyệt, đoạn 5 (Bến Lức - Hiệp Phước) thuộc dự án Vành đai 4 TP.HCM đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ GTVT.

Theo đó, mức đầu tư khoảng 7.100 tỷ đồng, trong đó, GPMB 1 lần khoảng 1.556 tỷ đồng, Long An là 1.400 tỷ đồng, TP.HCM là 157 tỷ đồng. Các đoạn còn lại hiện chưa nghiên cứu.

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc sớm khép kín đường Vành đai 4 tạo sự đồng bộ cơ sở hạ tầng, góp phần phát huy hiệu quả kết nối các khu kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, cảng Phú Mỹ, cảng hàng không Quốc tế Long Thành; thúc đẩy các dịch vụ vận chuyển logistics, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, phát triển dịch vụ cảng.

Tuy nhiên, qua rà soát tổng thể về nhu cầu vốn, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là không đủ khả năng cân đối (chỉ đáp ứng được 20,1%). TP đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2021 - 2025 đối với các dự án vành đai.

Riêng với dự án đường Vành đai 4, TP kiến nghị triển khai giai đoạn năm 2021 - 2025 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (đoạn 5) với chiều dài 35,8km (TP.HCM 3,8km; Long An 32km).

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, Trung ương hỗ trợ 50% chi phí xây lắp, TP.HCM thực hiện bồi thường GPMB từ ngân sách TP (khoảng 157 tỷ đồng).

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, vướng mắc hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư và kinh phí GPMB sẽ tăng cao hơn thời điểm lập quy hoạch rất nhiều.

Khẳng định các tuyến đường liên vùng luôn được lãnh đạo tỉnh cũng như người dân, doanh nghiệp trông đợi, kỳ vọng vì hiện tuyến QL1 chật hẹp, quá tải, song ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ: “Đường Vành đai 4 đã có trong quy hoạch từ lâu nhưng gặp khó vì nguồn vốn GPMB rất lớn nên chưa thể triển khai”.

Theo tìm hiểu của PV, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất cơ chế thực hiện đường Vành đai 3, 4 qua địa bàn tỉnh này.

Theo đó, Đồng Nai đề xuất Trung ương hỗ trợ và cho phép tách dự án bồi thường GPMB, đồng thời vay vốn Trung ương để thực hiện GPMB cũng như khai thác các khu đất tạo vốn.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/9/2021, đường Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài 199km, rộng 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (địa bàn thị xã Phú Mỹ), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM.

Quy hoạch đặt ra tiến trình đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM trước năm 2030. Trường hợp khó khăn trong việc mở rộng thì giữ nguyên quy mô đối với các đoạn đã đầu tư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.