Ảnh minh họa - Theo: httpvetau24h.com |
Tháng 6 vừa qua, dư luận đặt nghi vấn: Liệu đường sắt có tiếp tay cho buôn lậu khi mà tại ga Biên Hòa, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện hàng chục tấn hàng hóa trên toa hành lý của hai đoàn tàu khách Thống Nhất có dấu hiệu sai phạm và lập biên bản tạm giữ?
Theo các công ty vận tải đường sắt, đơn vị thực hiện vận chuyển số hàng trên, không phải toàn bộ số hàng bị tạm giữ là hàng nhập lậu mà có cả hàng sản xuất trong nước, hàng không có đủ giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc xuất xứ. Tuy vậy, ngay khi nhận được thông tin trên, các đơn vị đã tạm đình chỉ các chức danh có liên quan đến việc tác nghiệp lô hàng này để giải trình, kiểm điểm trách nhiệm công tác.
Vậy có chuyện nhân viên đường sắt tiếp tay buôn lậu không? Lãnh đạo một trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt cho biết, chưa nhận được phản hồi kết quả điều tra của các đơn vị chức năng địa phương. “Dẫu vậy, chúng tôi vẫn kiểm điểm trách nhiệm của các nhân viên liên quan, hạ chất lượng công tác những người sơ suất không kiểm tra rõ giấy tờ hợp lệ về xuất xứ hàng hóa”, vị lãnh đạo cho biết thêm.
Theo quy định của ngành Đường sắt, khách hàng, chủ hàng khi gửi hàng phải tự kê khai đầy đủ và cam đoan thông tin hàng gửi là đúng, nhất là về chủng loại, hàng có đủ hóa đơn giấy tờ hợp pháp, không phải hàng quốc cấm, hàng cấm lưu thông, dễ cháy, chất nổ, hóa chất độc hại…
“Phải tin người gửi hàng thôi. Yêu cầu kiểm tra tất cả các bao, kiện hàng hóa là không thể thực hiện được do khối lượng hàng hóa lớn, hàng hóa được đóng trong bao kiện chắc chắn. Kể cả có mở bao kiện ra, nhân viên hành lý cũng không có nghiệp vụ hay thiết bị hỗ trợ để xác định hàng gửi có phải là hàng lậu hay gian lận thương mại hay không. Chưa kể vì là hàng gửi dưới dạng hành lý, số lượng, khối lượng không lớn nên nếu yêu cầu khách hàng đáp ứng mọi thủ tục giấy tờ mới nhận vận chuyển, không khéo sẽ bị khách hàng cho là gây khó dễ, không tạo thuận lợi, phản ánh lên lãnh đạo cấp trên…”, một nhân viên hành lý chia sẻ.
Một cán bộ phụ trách công tác an ninh đường sắt thừa nhận, làm nghề dịch vụ vận chuyển chắc chắn không tránh khỏi bỏ lọt, bỏ sót hàng lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, “bắt hàng” xong thường “quên” phản hồi lại kết quả điều tra để đường sắt xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
“Chúng tôi cũng muốn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh ảnh hưởng đến uy tín của ngành, nhất là nhân viên có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Nhưng không có kết luận điều tra, chúng tôi không có căn cứ, cơ sở để xử lý”, vị cán bộ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận