Tại cuộc làm việc của Bộ Công thương về tình hình xuất khẩu nhập sáng nay (7/8), ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị lãnh đạo Bộ xem xét, kiến nghị sửa Nghị định 43 của Chính phủ theo hướng yêu cầu buộc nông sản cũng phải dán nhãn xuất xứ.
Ông Linh lý giải, trên thực tế có rất nhiều hàng hoá nông sản đang bị lẫn lộn nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ, chỉ riêng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trung bình cứ 80 tấn nông sản thì có 20% là nông sản nhập khẩu. Quy định hiện không bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ trên hoa quả. Điều này dẫn tới tình trạng lẫn lộn về xuất xứ.
Còn tại một số nước như New Zealand, ông Linh dẫn ví dụ, khi xuất khẩu táo họ đều dán nhãn để bảo vệ thương hiệu. Trong khi đó, táo nhập khẩu từ một số thị trường khác không được như vậy, gây ra sự nhầm lẫn và người tiêu dùng không phân biệt được nguồn gốc.
“Cầm quả táo lên, không biết được táo Trung Quốc hay táo Việt Nam. Khi kiểm tra cà chua, khoai tây cũng vậy, không phân biệt được của Trung Quốc hay Đà Lạt. Nhiều khi táo, cà chua, khoai tây Trung Quốc nhưng bà con cứ bảo của Việt Nam. Do vậy, dù khó nhưng chúng tôi vẫn kiến nghị theo hướng buộc nông sản cũng phải ghi nhãn”, ông Linh đề xuất.
Trước đó, ngày 1/8, Bộ Công thương cũng đã đưa ra dự thảo Thông tư về cách xác định thế nào là hàng hóa Việt Nam. Trong dự thảo, Bộ Công thương đã đưa ra quy định về trường hợp hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận