Thời sự

Khoán triệt để xe công cách nào?

13/03/2017, 06:28

Cần khoán cả chi phí đi công tác, chứ không dừng ở phạm vi đưa đón cán bộ từ nhà tới nơi làm việc.

1

Từ ngày 1/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện khoán xe công như kế hoạch của UBND TP và thuê xe phục vụ lãnh đạo Sở đi lại - Ảnh: Q.P

Bộ Tài chính vừa công bố kế hoạch mở rộng đối tượng khoán xe công trong thời gian tới. Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Vũ Đình Ánh (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, việc khoán xe công cần thực hiện triệt để, khoán cả việc đưa đón lãnh đạo và thực hiện công vụ; đồng thời Nhà nước nên sử dụng dịch vụ đưa đón của tư nhân thay vì mua xe rồi "nuôi" cả đội ngũ lái xe như hiện nay.

2

Ông Vũ Đình Ánh 

Xót ruột chi phí “nuôi” xe công chục nghìn tỷ đồng mỗi năm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm (gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Như vậy, chỉ riêng chi phí “nuôi” xe công mỗi năm đã trên chục nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Tôi cho rằng, chi phí để “nuôi” xe công quá lớn. Chúng ta thử làm một bài toán: Cứ cho là lương lái xe trung bình 10 triệu đồng/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm; Người sử dụng xe cả thứ bảy, chủ nhật và đi tới 1.500km/tháng (hơn 50km/ngày), thì tiền xăng xe 40-50 triệu đồng/tháng. Như vậy, 150 triệu đồng còn lại (500 nghìn đồng/ngày) chi phí cho cầu phà, khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng... có hợp lý? Đó là chưa tính tới chi phí mua xe nguyên giá trung bình từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi chiếc.

Bộ Tài chính cho biết, đã rà soát hơn 2.000 chiếc xe phải thanh lý, trong đó bán được hơn 1.100 chiếc giá trung bình gần 46,2 triệu đồng/xe. Nhưng cũng báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, cả nước đã mua mới 611 xe ô tô, giá trị 603 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, ngân sách chi cho việc "nuôi" đội ngũ xe công là rất lớn?

Chúng ta chưa có thông tin cụ thể về xe đã thanh lý, như giá trị ban đầu; “tuổi đời”, “tuổi lao động” khi thanh lý... Song, chỉ nhìn 2 con số là giá mua vào trung bình 1 tỷ đồng/xe (năm 2015) và giá bán thanh lý 46 triệu đồng (hơn 1.000 xe thu hơn 35 tỷ đồng), chúng ta không tránh khỏi cảm giác xót ruột. Ngoài băn khoăn về giá trị tài sản còn lại quá thấp, chúng ta cần nhớ rằng, mỗi năm, mỗi chiếc xe “ngốn” 320 triệu đồng. Nghĩa là nếu sử dụng 10 năm, mỗi xe “ngốn” hơn 3 tỷ đồng, chưa kể tiền mua xe ban đầu, trong khi chỉ thu về vài chục triệu đồng.

Tính chung, năm 2016, chỉ riêng chi phí “nuôi” xe công đã lên tới gần 11.000 tỷ đồng (34.214 chiếc). Còn tổng giá trị xe công, tính đến năm 2014 khoảng 20.600 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD và từ đó đến nay, vẫn tiếp tục tăng lên cả về số lượng, giá trị. Đơn cử, năm 2016, lượng xe chuyên dùng tăng thêm 5.000 xe...

3

Thay vì phải bỏ ra cả tỷ USD để mua và "nuôi" xe công thì Nhà nước có thể thuê dịch vụ xe đưa đón của tư nhân - Ảnh: Tạ Tôn

Sử dụng dịch vụ xe đưa đón tư nhân

Chính bởi vậy, Bộ Tài chính cùng một số bộ, ngành, địa phương đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công cho một số chức danh. Theo ông, cơ chế này có nên mở rộng và bắt buộc thay vì thí điểm và tự nguyện như hiện nay?

Mặc dù Bộ Tài chính không công bố cụ thể khoản chi phí tiết kiệm được, song tôi đánh giá, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công mang lại nhiều tác động tích cực. Do vậy, nên áp dụng đồng loạt khoán kinh phí xe đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, cơ chế khoán mới áp dụng cho việc đưa đón người có chức danh từ nhà tới cơ quan, tức là mới giảm được số lượng xe thuộc nhóm chức danh, chứ chưa tác động đến nhóm xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng. Thực tế tại nhiều bộ, ngành, địa phương, số xe phục vụ công tác chung vượt tiêu chuẩn, định mức rất lớn. Đơn cử như Bộ NN&PTNT, kết quả rà soát mới đây cho thấy, bộ này có tới 452 xe phục vụ công tác chung, vượt 176 xe so với tiêu chuẩn; Xe chuyên dùng cũng thừa 39 xe (có 243/204 xe theo tiêu chuẩn). Tại Bộ Công thương, xe phục vụ chung có 227 xe, thừa 57 chiếc so với định mức 135 xe. Hay tại Quảng Ninh, có 338 xe phục vụ công tác chung, thừa 73 xe. Tỉnh Bình Thuận vượt tiêu chuẩn 32 chiếc. Tỉnh Sóc Trăng vượt 29 xe...

Làm thế nào giảm được đầu mối sử dụng xe công nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí thưa ông?

Bộ Tài chính đang xây dựng dự kiến sửa đổi, bổ sung quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công. Theo đó, đưa ra một số phương án như mở rộng đối tượng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công đến chủ tịch các địa phương, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước... Cùng đó, cũng dự kiến giảm đầu xe phục vụ công tác chung so với tiêu chuẩn, định mức hiện nay, như định mức sử dụng xe của cục, vụ thuộc bộ từ 2 xe/cục và 1 xe/vụ xuống còn 1 xe/đơn vị, thậm chí 2 đơn vị/xe (tùy theo số lượng biên chế trực thuộc)...

Tuy nhiên, theo tôi, việc khoán kinh phí xe cũng nên áp dụng cả với trường hợp đi công tác, chứ không dừng ở phạm vi đưa đón một số chức danh từ nhà tới nơi làm việc. Chỉ như vậy, số lượng xe công mới giảm triệt để được.

Cách thức thực hiện như thế nào? Tôi cho rằng, thay vì “nuôi” một đội ngũ phục vụ dịch vụ công mà ở đây là phục vụ đưa đón, chúng ta có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ bên ngoài. Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể “bắt tay” với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải như xe hợp đồng, taxi, “xe ôm”, thậm chí kể cả xe buýt. Những người có nhu cầu sử dụng xe sẽ được cấp thẻ tương tự như thẻ ngân hàng để có thể thanh toán dịch vụ theo nhu cầu thực tế.

Với cơ chế hiện hành, cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý phương tiện, đội ngũ cán bộ phục vụ đưa đón mà vẫn khó kiểm soát chi phí. Trong trường hợp chuyển dịch vụ đó ra ngoài, liệu có tăng nguy cơ lãng phí không?

Để hạn chế lạm dụng, cũng cần nghiên cứu đưa ra mức khoán theo chức danh, vị trí và thực tế công việc thực hiện. Ngoài ra, cũng có quy định trường hợp nào được tăng hạn mức theo nhu cầu thực tế. Và tôi cũng xin nói rằng, dù chúng ta thực hiện hình thức nào thì cũng vẫn phải quản lý tốt cán bộ, công chức, hạn chế tình huống đi việc riêng nhưng lại tính vào việc chung. Việc quản lý đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đi lại, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả chung. Đi liền đó là công tác tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ. Vì nếu đội ngũ cán bộ tăng lên, chúng ta không những không giảm được chi phí xe cộ, đi lại mà còn phải tăng chi cho rất nhiều khoản mục khác. Đơn cử năm 2015, chúng ta mua mới 611 xe công, một phần để thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết hạn sử dụng, còn lại chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập.

Cảm ơn ông!

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: “Nếu Trung ương có quy định thì địa phương sẽ triển khai nghiêm túc”.

Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: “UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính tham gia ý kiến bằng văn bản liên quan đến chủ trương của Chính phủ”.

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: "Lai Châu đang chờ quyết định của Chính phủ để thực hiện. Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi nên chúng tôi sẽ có trao đổi với Bộ Tài chính để có những đề xuất phù hợp với thực tế".

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc khoán xe cho lãnh đạo UBND tỉnh. Về mức khoán 6,5 triệu/tháng để đi taxi từ nhà tới cơ quan với chúng tôi là thoải mái, vì đa số các đồng chí lãnh đạo nhà đều ở gần cơ quan, như tôi, từ nhà ra cơ quan chỉ 2km. Tuy nhiên, nếu để đi công tác mà khoán xe thì không ổn nên cơ chế cũng cần nghiên cứu cho các tỉnh miền núi như Cao Bằng. Vì địa hình, đường sá tại các tỉnh miền núi rất khó khăn, địa bàn rộng nên định mức xe và số đầu xe cũng cần có cơ chế đặc thù cho phù hợp".

An Na, Hồng Quý (Ghi) 

Xe phục vụ công tác chung có thể giảm 42-62%

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cơ quan này xây dựng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ các chức danh. Ngoài việc khoán kinh phí với chức danh từ Thứ trưởng trở xuống, các đầu mối như Cục, Vụ và các tổ chức tương đương cũng sẽ giảm đầu xe xuống còn 1 xe/đơn vị hoặc 2 đơn vị/xe tùy theo quy mô. Bộ Tài chính tính toán, tổng số xe phục vụ công tác chung có thể giảm khoảng 42-62% tùy theo phương án được duyệt.

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.