Kinh tế

Khoán xe công tiết kiệm kinh phí thế nào?

22/03/2018, 07:05

Sau thời gian thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công, hiệu quả kinh tế được nhận định khá thấp.

1

Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm khoán xe công - Ảnh: Tạ Tôn

Hà Nội: 6 tháng tiết kiệm 1,7 tỷ đồng

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, từ tháng 3/2017, có 8 đơn vị (Sở Tài chính, GTVT, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch - Đầu tư; quận Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm và Thanh Trì) thực hiện thí điểm khoán xe công theo mức cố định hàng tháng không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, thực tế, tổng chi phí khoán phải thanh toán cho 49 lãnh đạo của các đơn vị trên trong 6 tháng (từ tháng 3/2017 đến hết tháng 8/2017) hơn 2,4 tỷ đồng, bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng. Riêng Sở GTVT Hà Nội thực hiện khoán theo khoảng cách đi công tác thực tế của từng chức danh với đơn giá thanh toán 13.000 đồng/km. Theo đó, tổng chi phí cho 3 lãnh đạo trong 6 tháng là 165 triệu đồng, bình quân 9,17 triệu đồng/người/tháng.

Tính chung lại, chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 của 8 đơn vị tại Hà Nội là 2,441 tỷ đồng, tiết kiệm 1,7 tỷ đồng so với chi phí thực tế trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 (trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng). Ngoài ra còn giúp giảm 20 lái xe tại các đơn vị nói trên. UBND TP đã điều chuyển 32/44 xe ô tô dôi dư cho các cơ quan, đơn vị khác thuộc TP, tiết kiệm khoảng 23 tỷ đồng mua sắm trang bị xe.

Tuy nhiên, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nếu tính đầy đủ và đồng nhất chi phí sử dụng xe giữa 2 giai đoạn, hiệu quả khoán xe còn thấp hơn số liệu đã báo cáo.

Đi xe khoán: khó thực hiện nhiệm vụ?

Trong khi đó, không ít khó khăn đã được các đơn vị kiến nghị. Cụ thể, đại điện UBND huyện Gia Lâm cho biết, địa bàn quản lý rộng, thường xuyên có các đoàn công tác, do đó số lượng xe công không đủ để phục vụ khiến UBND huyện phải trưng dụng xe cá nhân hoặc thuê taxi phục vụ công tác không đảm bảo thời gian. “Thời gian của các đoàn công tác bị dao động; không thuận lợi khi ra vào, gửi đỗ tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời tăng cao một số khoản chi phí mỗi khi tổ chức các đoàn công vụ”, vị đại diện chia sẻ.

Báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội cũng viện dẫn hàng loạt khó khăn khi sử dụng dịch vụ taxi như: Giờ cao điểm hoặc thời tiết mưa, bão việc gọi thuê xe khó khăn, chờ đợi lâu; Tài xế taxi không thông thạo đường như lái xe của cơ quan trước đây; đi xe taxi tạo tâm lý không an tâm như sử dụng xe cơ quan được trang bị… Đối với những trường hợp tự lái xe đi làm, việc tìm địa điểm đỗ xe tại nơi đến công tác khó khăn, mất nhiều thời gian (?!). “Việc thuê xe hoặc tự lái xe cá nhân có thể khiến cán bộ gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao; định mức giao dự toán chi thường xuyên áp dụng giống nhau đối với đơn vị nhận khoán và không nhận khoán chưa phù hợp”, Sở Tài chính Hà Nội nêu.

Do đó, Sở Tài chính Hà Nội kiến nghị: Thủ trưởng các cơ quan được lựa chọn các hình thức sử dụng xe phục vụ công tác chung theo 3 hình thức quy định: Trang bị tối đa 1 xe/1 đơn vị, riêng đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện được trang bị tối đa 2 xe/1 đơn vị; thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ xe ô tô đối với các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25. Trường hợp tất cả các chức danh đủ tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đều nhận khoán kinh phí thì sẽ không được trang bị xe ô tô.

Đối với các chức danh không đủ tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo quy định (Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và các đồng chí thường vụ quận, huyện ủy…), song do yêu cầu nhiệm vụ công tác vẫn phải bố trí xe cho các chức danh này khi đi công tác. “Sở Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất Thành phố cho phép tính toán, xác định để bố trí bổ sung vào dự toán hàng năm tương ứng số kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh này để giao cho các cơ quan đơn vị nhằm đảm bảo kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan”, đại diện Sở Tài chính cho biết.

2

Xe công đậu trước UBND TP.HCM

TP.HCM dự kiến cả năm tiết kiệm 1,2 tỷ đồng

Sau Hà Nội, Sở Tài Chính TP.HCM cũng vừa có trình Thường trực UBND TP xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô tại UBND TP.HCM, Sở Tài Chính, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, UBND quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Những cơ quan này sẽ khoán kinh phí trong trường hợp đưa đón cán bộ từ nơi làm việc đến nơi công tác mà không áp dụng với việc đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc. Đối tượng áp dụng khoán gồm các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm).

Nếu đề án này sớm được UBND TP ban hành, hai phương thức khoán là áp dụng đơn giá khoán cố định theo km hoặc áp dụng đơn giá khoán cố định theo tháng/xe. Đề án thí điểm này phải đảm bảo 2 yêu cầu: Không làm phát sinh chi phí hành chính hàng năm và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện số lượng xe phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP là 667 xe, trong đó ô tô phục vụ tiêu chuẩn chức danh là 10 xe, ô tô phục vụ công tác chung là 657 xe. Sở Tài chính đề xuất lộ trình giảm 50% số lượng xe phục vụ công tác chung đến năm 2020. Riêng trong năm 2018  sẽ giảm khoảng 30% số xe phục vụ công tác chung hiện có (khoảng 205 xe).

“Khi các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe, toàn bộ xe ô tô phục vụ công tác chung do các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng sẽ thu hồi để sắp xếp, xử lý theo quy định, đảm bảo việc sử dụng xe tiết kiệm, hiệu quả”, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đang chấp thuận thí điểm cho thuê xe công tại 5 đơn vị nói trên. Các đơn vị sẽ chuyển giao số xe công cùng lực lượng tài xế, tạp vụ và bảo vệ của đơn vị mình cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích (TNXP) quản lý. Khi có nhu cầu, các đơn vị sẽ thuê lại xe, tài xế, tạp vụ, bảo vệ để sử dụng.

“Việc thực hiện thí điểm 5 đơn vị sẽ tiết kiệm cho ngân sách hơn 105 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,26 tỉ đồng/năm”, đề án nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.