Lợi dụng yếu điểm của hình thức giao thương như khách hàng ở xa không đến trực tiếp đổi trả, số tiền nhỏ, e ngại phiền hà kiện cáo, chưa kể truy tìm vết tích khó khăn… nên nhiều người bán hàng qua mạng ngang nhiên bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
20% khiếu nại liên quan đến mua hàng trực tuyến
Chủ hàng tự chịu trách nhiệm xuất xứ hàng hóa trước pháp luật. Khi khách mua hàng thấy hàng hóa không đúng như mong muốn thì có thể trả lại, hoàn lại, bưu điện là đơn vị vận chuyển không chịu trách nhiệm về các sản phẩm đó.
Ông Trịnh Quang Chiến, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Hà Nội
Qua một trang fanpage bán đồ phong thuỷ, chị Đoàn Thị Bích Ngọc (TP HCM) đặt mua một chiếc nhẫn thạch anh khắc hình hồ ly 9 đuôi, giá 700 nghìn đồng. Tuy nhiên, hàng chị Ngọc nhận được lại là một chiếc nhẫn bằng đá ruby, đặc điểm hoàn toàn khác với sản phẩm đặt mua. Khi đề nghị đổi sang sản phẩm khác thì shop đòi các thêm 100 nghìn đồng. Muốn đổi sản phẩm giống như lúc đặt phải chờ hai tuần vì hiện tại không có hàng. Không đồng ý, chị Ngọc đã trả lại sản phẩm cho đơn vị vận chuyển nhưng đến cả năm rồi không được hoàn lại số tiền hoàn mà chị đã chuyển khoản trước đó.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương, khoảng 20% khiếu nại liên quan đến giao dịch mua bán hàng trực tuyến. Đa số khiếu nại tập trung vào các hành vi: Giao hàng muộn, không giao hàng, hủy đơn hàng không rõ lý do, hàng nhận không giống với quảng cáo, hàng kém chất lượng, không được người bán hàng hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp… Đối với việc mua bán thông qua mạng xã hội (người bán là cá nhân trên Zalo hoặc Facebook), không có cơ sở giải quyết do không xác định được thông tin liên hệ (điện thoại, địa chỉ,…) của người bán.
Mua hàng nên đồng kiểm và chọn địa chỉ uy tín
Khách hàng mất tiền, hãng vận chuyển đứng ngoài cuộc
PV Báo Giao thông đã liên hệ tới Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Việt Nam) và đặt vấn đề: Trong trường hợp khách hàng nhận được hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng trên vận đơn và bưu gửi không ghi thông tin người gửi hàng thì đơn vị vận chuyển có trách nhiệm hay không và trách nhiệm đến mức độ như thế nào?
Đại diện hãng này cho hay, khi chấp nhận bưu gửi thì người gửi phải kê khai các thông tin địa chỉ nhận gửi và thể hiện trên phiếu gửi E1 hoặc bề mặt bưu gửi. Bên vận chuyển có trách nhiệm hướng dẫn và đề nghị khách hàng kê khai đầy đủ các thông tin liên quan theo qui định.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian gần đây, tính chất phức tạp trong các tranh chấp mua bán hàng qua mạng ngày càng gia tăng. Do vậy, khi mua hàng, khách hàng nên sử dụng phương thức đồng kiểm. Phương thức này cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận. Trường hợp hàng nhận được là hàng giả, kém chất lượng hoặc không giống với quảng cáo, người tiêu dùng có thể từ chối. Nếu không đồng kiểm thì người mua hàng nên quay, chụp lại hình ảnh sản phẩm để có căn cứ phản ánh, khiếu nại.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC cho biết: Việc thành lập website bán hàng online sẽ thuộc hình thức tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ (Điều 2 của Thông tư 47/2014/TT-BTC khi thiết lập website thương mại điện tử để bán hàng).
Theo đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải đăng ký tài khoản, cung cấp những thông tin như: Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân; Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động; Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân; Các thông tin liên hệ…
Pháp luật dân sự hiện hành cũng đã có những quy định cụ thể về hành vi của người bán hàng, nếu người bán hàng có hành vi cố ý giới thiệu làm cho người mua hiểu sai lệch về hàng hóa, nhằm mục đích để người mua tin tưởng và chấp nhận mua hàng thì giao dịch dân sự giữa hai bên có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Tùy tính chất, mức độ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 thì Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Nghiêm trọng hơn nữa, nếu hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có tính chất chuyên nghiệp, gây hậu quả lớn, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, luật sư cũng cho rằng, việc xử phạt các hành vi vi phạm “trên không gian mạng” khó khăn hơn do nhiều tài khoản sử dụng tên, hình ảnh giả để giao dịch. Khi bị phát hiện, đối tượng lừa đảo có thể đóng tài khoản, gây khó khăn trong việc truy tìm dấu vết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận