Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho phép phương tiện chạy với tốc độ tối đa 120 km/h nên việc giữ khoảng cách an toàn là vô cùng cần thiết . |
1. Tôi đã lặng người khi nghe mẹ cháu bé 5 tháng tuổi đang hôn mê kể lại vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cách đây vài hôm. Khi chiếc xe khách giường nằm lao đầu vào đuôi xe tải phía trước, hai mẹ con chị và những người xung quanh đang lim dim ngủ, bỗng chốc văng ra khỏi chỗ nằm. Đứa con gái bé bỏng tuột ra khỏi vòng tay mẹ, chạm vào đâu đó. Không có máu chảy, không xước xát chân tay. Sốc, choáng, chị níu lại đứa bé. Trong lúc đó, những người xung quanh cuống quít tìm búa an toàn, phá kính, lốc nhốc toài khỏi thân xe ra ngoài.
Đường lạnh, người lái xe tải phía sau dừng lại đầu tiên, hô hoán xem có ai còn sống không. Người đàn ông đỡ ngay lấy đứa bé khi mẹ con chị ríu người cố thoát ra khỏi ô cửa vừa được đập vỡ. Ông chở mấy người phụ nữ và trẻ em đi viện. Đứa bé trên tay chị cứ trắng dần, trắng dần dù vẫn còn nắm chặt tay mẹ. Vào tới viện, các bác sỹ nói bé xuất huyết trong, huyết áp tụt, não phù, nguy cấp lắm.
Cầu cho bé qua khỏi tai nạn này, tôi chùng người, cầu nguyện rồi nhìn người mẹ trẻ. Chị nói, người lái xe tải tử tế kể lại rằng, chiếc xe khách liên tục xin vượt, rồi vượt qua xe ông, chỉ một khoảnh khắc thôi, đã lao vào đuôi xe trước mặt. Ông phanh dúi dụi mới thoát khỏi cú đâm liên hoàn.
Quá may mắn cho cả ông và những người còn sống sót trên chuyến xe khách ấy. Bởi nếu có một cú đâm bồi tiếp, chắc chắn sẽ có thêm người tử nạn.
Nhưng quá thiệt thòi, xót xa cho những người bị nạn bởi người lái xe khách đã không giữ được khoảng cách an toàn với xe đi trước.
Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng mà nếu không tuân thủ, cái giá phải trả có thể là tính mạng của mình và những người khác. Đặc biệt là trên cao tốc khi vận tốc trung bình các xe là 100 km/h.
2. Câu chuyện đau lòng làm tôi nhớ lại chuyến đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa khánh thành chiều thứ sáu tuần trước. Mưa lớn không khiến cho các tay lái đang muốn thử đường mới chùn bước. Hầu như các xe đều giữ vận tốc 100 -120 km/h. Nhưng chốc chốc lại có bác tài gấp gáp xi nhan trái, thúc sát vào đuôi xe đi trước để xin vượt. Đua tốc độ dăm phút, cứ ba ông thì có hai ông không chịu nổi phải chuyển sang làn phải nhường đường.
Bất giác tôi thấy người đi cùng buột miệng chửi thề. Anh hơi đỏ mặt, vừa chăm chú lái vừa giải thích: “Tôi sợ nhất đường ngon, lái nhanh mà phải đi cùng người không hiểu luật”.
Quả thật, vừa vào đường cao tốc đã có biển vàng chóe ghi khoảng cách an toàn 100 m. Tiếng Anh gọi là Safe stopping distance. Có định vị bằng biển báo và lằn sơn để người lái dễ hình dung 100 m dài chừng nào nhưng mấy ông kia có mắt như không, cứ chạy nhằng nhẵng cách đuôi xe trước 30 m để xin vượt.
“Nói dại, xe trước chỉ giảm tốc đột ngột chứ chưa nói đến nổ lốp là xe sau lĩnh đủ. Mà đường cao tốc nhiều làn, ai cấm ông lách sang phải vượt xe đi làn bên trái có tốc độ chậm hơn cơ chứ”, bạn tôi làu bàu.
3. Người lái xe vi phạm khoảng cách an toàn có thể vì thiếu hiểu biết hoặc tệ hơn, biết mà vẫn vi phạm. Nhưng cả hai đều có thể dẫn tới một kết cục thảm khốc như nhau.
Tôi không nghĩ nhiều lắm tới những người thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật tự gây tai nạn hay gây hại cho bản thân mình. Tôi lo cho những người sống cùng họ - những người có thể mất đi cuộc sống quý giá một cách hoàn toàn bất ngờ và oan uổng. Và nghĩ rộng ra, trong cuộc sống này, không chỉ lái xe mới cần giữ một khoảng cách an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận