Nạn nhân một vụ buôn bán người được giải cứu và trao trả về địa phương (Ảnh minh họa) |
Chiều nay, 24/2 hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng đường dây nóng phòng, chống mua bán người” do Bộ LĐ-TBXH tổ chức.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TBXH), cho biết: Nạn mua bán người vẫn tiếp diễn, gia tăng đáng kể tại Việt Nam bất chấp những nỗ lực của Chính phủ. Chính vì thế, từ khi được thành lập (tháng 10/2013) tới nay, đường dây nóng phòng chống mua bán người đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi.
Theo đó, đường dây nóng được đặt tại 3 địa bàn: tổng đài tại Hà Nội (18001567) và hai trung tâm kết nối tại Hà Giang (18001282), An Giang (1800.8077). Đây là những số điện thoại miễn phí, trực 24/24h.
Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Giang cho biết: Từ 2013 tới nay, đường dây nóng của tỉnh đã tiếp nhận gần 700 cuộc gọi, trong đó có 350 cuộc gọi liên quan tới mua bán người và tư vấn tâm lý cho 410 nạn nhân trở về. Tuy nhiên, hiệu quả của đường dây nóng phòng chống mua bán người nhiều khi vẫn còn hạn chế do ý thức của người dân.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH An Giang cho biết, trong 3 năm hoạt động, đường dây nóng phòng chống mua bán người tại tỉnh đã tiếp nhận tới hơn 14.000 cuộc gọi đến. Tuy nhiên, có tới hơn 10.000 cuộc, gọi “câm”, nhỡ, trêu đùa...
Nhớ vể những cuộc gọi giải cứu “dở khóc, dở cười”, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Bộ LĐTB-XH) kể: Một ngày cuối năm 2014, đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp của chị B.T.X, 39 tuổi tại Lai Châu. Chị X. kể trước đây đã bị hai thanh niên cùng địa phương lừa bán sang Trung Quốc. 3 năm sau chị trở về được quê nhà và có ý định tố cáo hai đối tượng kia với hành vi buôn bán người. Biết được ý định này, hai đối tượng đã tìm cách truy bắt X. để bán nội tạng. Ngay khi gọi điện tới đường dây nóng, chị X. cho biết mình đang phải trốn trong rừng sâu. Sau khi tiếp nhận sự việc, nhân viên tư vấn đã hướng dẫn chị X. tìm nơi trốn an toàn gần nhất như UBND xã, đồn biên phòng, đồn công an... Mặt khác, xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, nhân viên tư vấn đã kết nối với chính quyền địa phương đề nghị xác minh thông tin và hỗ trợ giải cứu chị X. Tuy nhiên, thông tin từ địa phương cho biết, chị X. bị tâm thần và thường xuyên tưởng tượng ra mình đang bị nguy hiểm.
“Thực chất, chị X. không hề bị bán sang Trung Quốc mà do chị tự đi, sau đó lại quay trở lại Việt Nam với biểu hiện mắc bệnh tâm thần khiến gia đình luôn phải giám sát cẩn thận”, ông Hiệu cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận