Đông đảo phụ huynh đón con đi thi vào lớp 10 tại Hà Nội |
Căng hơn thi đại học
Năm nay, Hà Nội có gần 95 nghìn sĩ tử dự thi vào lớp 10 THPT công lập, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ hơn 63 nghìn em. Như vậy, gần 32 nghìn em sẽ không có cơ hội vào cơ sở giáo dục công lập, phải sang học tại trường tư thục đắt đỏ hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Tỷ lệ chọi vào một số trường cao không kém thi đại học top đầu Việt Nam. Tại điểm thi trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, em Nguyễn Viết Trường chia sẻ: “Cố gắng lắm em cũng chỉ đạt 7 điểm Văn và 7,5 điểm Toán. Năm nay, thí sinh quá đông nên có lẽ đề ra cũng khó hơn để phân loại đầu vào”.
Dưới cái nắng như đổ lửa, ngồi đợi con thi ngoài vỉa hè, anh Nguyễn Thành Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa gạt dòng mồ hôi vừa nói: “Cũng tại các cháu sinh năm Dê vàng nên lượng thí sinh năm nay quá đông, tỷ lệ chọi cao. Trong khi số lượng trường công lại hạn chế, tỉ lệ chọi cao như thế cũng thiệt thòi cho các cháu vì không đỗ trường công sẽ phải ra trường tư. Chắc chắn học phí ở trường tư cao hơn, phụ huynh sẽ tốn kém hơn”.
Cùng chung tâm lý với anh Trung, ngồi đợi con trai thi môn Toán chiều 7/6, anh Phạm Xuân Vượng (Khu tập thể Viện 19-8, Bộ Công an) tâm sự: “Kỳ thi này rất áp lực, năm nay số lượng thí sinh tăng đột biến. Tôi và gia đình đã động viên con phải cố gắng tập trung hết sức, ôn luyện ngày đêm. Trong khi kinh tế gia đình có hạn, tôi về hưu nên lương cũng chẳng được bao nhiêu. Nếu được học công lập thì còn đỡ chứ dân lập thì tốn kém sao theo được”.
Không chỉ áp lực về tỉ lệ chọi mà nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng về điểm chuẩn vào các trường công lập. Theo chị Trịnh Minh Nguyệt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), năm trước trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lấy điểm chuẩn lên đến 52 điểm, vì vậy con chị năm nay phải cầm chắc 2 điểm 8 mới có cơ hội. “Nếu không đạt nguyện vọng 1, phải chuyển sang nguyện vọng 2 với mức điểm chênh hơn ít nhất 2 điểm so với nguyện vọng 1. Kỳ thi này quả thực còn áp lực hơn cả thi đại học”, chị Nguyệt lo lắng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Văn Thanh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định: Ngoài lý do thí sinh tăng đột biến, nguyên nhân khiến một kỳ thi vào lớp 10 quá căng thẳng, mệt mỏi cũng bởi hệ thống giáo dục vẫn còn “đóng”, gây áp lực lớn cho học sinh. “Nếu phát triển hệ thống giáo dục đa dạng, con đường rộng mở hơn, các em không phải đua tranh, trường học tại các đô thị lớn cũng không phải quá tải. Một khi vẫn duy trì hệ thống như hiện nay, cải tiến kiểu gì thì học sinh cũng chỉ có một con đường là chen chân vào các trường học”, ông Thanh phân tích.
Liên tiếp lọt đề thi ra ngoài
Sau đề thi Văn vào lớp 10 bị lọt ra bên ngoài, tình trạng tương tự cũng xảy ra với đề thi Toán chiều cùng ngày. Theo đó, ngay từ rất sớm, khi thí sinh mới làm bài chưa được một nửa thời gian, nhiều phụ huynh bên ngoài đã truyền nhau hình ảnh bản chụp đề thi.
Trước hiện tượng trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phải hai lần tổ chức họp báo khẩn sau khi hai môn thi kết thúc. Trong khi nguyên nhân sự cố lọt đề thi môn Văn đang được Công an TP Hà Nội điều tra xác minh, việc lọt đề thi môn Toán được xác nhận do một giáo viên coi thi tuồn đề ra bên ngoài.
Chiều 7/6, trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Hiện, cơ quan an ninh đang làm việc với nghi phạm. Thông tin ban đầu xác nhận, giáo viên Hồng Phúc, trường THCS Mai Đình, Sóc Sơn, Trưởng hội đồng thi Vân Nội, Đông Anh là người đã chụp và chuyển đề thi môn Toán ra ngoài. Giáo viên này đã thừa nhận hành vi trên”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, đây là sự cố rất hy hữu: “Ngay năm nay chúng tôi quán triệt rất kỹ về việc mang điện thoại vào, việc học tập quy chế đã được làm kỹ. Chúng tôi cũng không hiểu vì sao giáo viên này có sự ấu trĩ và làm ẩu như vậy”, ông Quang chia sẻ.
Liên tiếp để xảy ra hiện tượng lọt đề thi ra bên ngoài trong kỳ thi, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vị Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, sự cố lọt đề thi không ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. “Tất cả các điểm thi đều thực hiện rất tốt, các phụ huynh hoàn toàn yên tâm với kỳ thi này”, ông Quang nói.
Không đồng tình với nhận định trên, TS. Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Đã lọt đề thi ra ngoài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thi cũng như tâm lý thí sinh và phụ huynh. Việc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định không ảnh hưởng là không khách quan, không chính xác. Chỉ có điều việc đó ảnh hưởng thế nào, ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào thời gian lộ đề thi ra sao mà thôi”.
Thày Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán Trường THPT Lương Thế Vinh: Chỉ 5% thí sinh đạt điểm 10 môn toán. Đề thi Toán lớp 10 năm nay bám kiến thức cơ bản. Nội dung khá dài, câu hỏi lắt léo hơn, khó hơn cho các thí sinh. Với đề thi này, điểm môn Toán sẽ thấp hơn năm trước. Nếu học sinh trung bình khá khó có thể đạt 7 - 8 điểm, còn điểm 10 chắc chắn sẽ rất ít, chỉ khoảng 5%. Cô Nguyễn Thị Nhạn, giáo viên dạy văn Trường THCS Phúc Diễn, Từ Liêm: Điểm đại trà môn văn từ 6 - 7,5 điểm. Đề thi môn Văn khá hợp lý, phù hợp với tất cả các thí sinh. Riêng câu 3 phần I là khá khó vì câu này nằm trong phần đọc thêm của chương trình lớp 7. Tuy nhiên, câu này cũng chỉ 0,5 điểm nên không ảnh hưởng nhiều đến điểm số của các em. Với đề thi năm nay, để đạt điểm 8 - 9 là rất khó. Điểm đại trà có thể từ 6 - 7,5 điểm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận