Vụ việc cô gái tên N.T.D.M (SN 1997, nhân viên kinh doanh showroom ô tô) lái xe BMW với tốc độ gần 140km/h bị Công an TP Thủ Đức, TP.HCM xử phạt 11 triệu đồng và tước bằng lái 3 tháng hôm 11/12 nhận được nhiều ý kiến từ dư luận.
Điều đáng nói là ngoài hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, một số quan điểm còn cho rằng việc đưa thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội cũng là hành vi vi phạm.
Trên thực tế, nhiều cá nhân từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố bị can sau khi họ hoặc người liên quan tung clip ghi lại hình ảnh người đó điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông. Có trường hợp đã bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng.
Điển hình là ngày 19/10, Công an TP.HCM khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, người mẫu) về tội Gây rối trật tự công cộng. Động thái tố tụng này được thực hiện sau khi Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông (36 tuổi) liên quan các clip biểu diễn xe phân khối lớn do Trinh điều khiển.
Người đàn ông này bị cáo buộc hướng dẫn người mẫu Ngọc Trinh biểu diễn các động tác: Thả hai tay, đứng trên xe, để hẳn hai chân sang một bên… Những clip này phản cảm và gây bức xúc trong dư luận.
Mới đây nhất, ngày 10/11, Công an TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi tố và bắt tạm giam 5 thanh niên biểu diễn đua ô tô, sau đó quay clip đăng TikTok về tội gây rối trật tự công cộng. Nội dung clip cho thấy các bị can đã lái xe và thực hiện động tác drift (nhấn ga phanh gấp) nhiều vòng làm cho lốp xe bốc khói trước nhiều người chứng kiến, cổ vũ.
Nhìn nhận các sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, sau những clip lan truyền trên mạng xã hội như trên, việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý đối với người vi phạm là cần thiết và có căn cứ.
Tùy vào hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra, người vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nếu có căn cứ chứng minh vi phạm giao thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự", luật sư Cường nêu quan điểm.
Về chế tài, luật sư nhấn mạnh, người vi phạm có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt gồm phạt tiền lên đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Điều 260 Bộ luật Hình sự còn quy định vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền tối đa 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Đối với hành vi đưa thông tin trái phép trên internet, nếu hành vi này gây tác động tiêu cực cho xã hội, hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet...
Cùng quan điểm, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong những vụ tung clip vi phạm luật giao thông lên mạng xã hội, khi cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy hành vi đó trực tiếp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội (như tạo nên trào lưu xấu, có người học theo, làm theo gây hậu quả nghiêm trọng), cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự.
"Xử lý hành chính hoặc áp dụng chế tài hình sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hậu quả gây ra đối với xã hội", luật sư nhìn nhận.
Clip: Siêu mẫu Ngọc Trinh buông cả hai tay khi đang điều khiển xe
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận