Hạ tầng

Khởi công cao tốc 22.000 tỷ đồng: Động lực mới cho Tây Nguyên, Nam Trung bộ

18/06/2023, 09:18

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư nhằm tăng tính kết nối hệ thống giao thông trục dọc - trục ngang, tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Thần tốc chạy đua hoàn thành thủ tục

img

Phối cảnh dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Sau tròn 1 năm kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đồng loạt khởi công cả ba dự án thành phần vào ngày 18/6/2023.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1 (Km 1415+250), khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Điểm cuối tại giao cắt Km 12+450 đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc - Nam phía Tây), thuộc địa phận huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+000 - Km 32+000) với chiều dài khoảng 32km đi qua địa phận thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản dự án. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban QLDA ĐTXD Các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư dự án.

Dự án thành phần 2 (Km 32+000 - Km 69+500) với chiều dài khoảng 37km thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa (thị xã Ninh Hòa) và Đắk Lắk (các huyện Mđrak, Eaka, Krong Bong).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản dự án. Bộ GTVT giao Ban QLDA6 trực thuộc Bộ làm chủ đầu tư dự án.

Dự án thành phần 3 (Km 69+500 - Km 117+500) với chiều dài khoảng 48km thuộc tỉnh Đắk Lắk (các huyện Eaka, Cư Quin, Krong Pach). Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản dự án. UBND tỉnh Đắk Lắk giao Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án.

Toàn dự án có 8 nút giao khác mức liên thông, 4 hầm xuyên núi, 70 cầu trên tuyến chính, 17 cầu trên đường gom, đường ngang.

Phục vụ nhu cầu lưu thông của người dân, trên tuyến cao tốc cũng được bố trí trạm dừng nghỉ với vị trí dự kiến tại Km 72+800 thuộc địa phận xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar (gần hồ Ea Rớt). Với phương án trên, tổng mức đầu tư chung của dự án khoảng gần 22.000 tỷ đồng.

Ông Phan Tất Thành, Giám đốc dự án thành phần 2 cho biết, đáp ứng thời gian khởi công dự án trước ngày 30/6 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, chỉ trong khoảng 3 tháng, các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.

Công tác phối hợp với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng; phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức điều tra, rà soát, trình UBND cấp tỉnh chấp thuận các vị trí mỏ vật liệu xây dựng, bãi trữ vật liệu thừa và hệ thống đường điện cần phải di dời cũng được các chủ đầu tư rốt ráo thực hiện.

“So với toàn tuyến, dự án thành phần 2 có điều kiện bình địa khó khăn nhất với địa hình, địa chất đặc biệt phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu, bị chia cắt mạnh, chênh lệch cao độ lớn, sườn mái taluy tự nhiên dốc lớn biến đổi, chia cắt...

Tuy nhiên, với tinh thần không có đường lui, thiết kế của dự án dài 37km này sớm hoàn thành với 4 công trình hầm xuyên núi (tổng chiều dài khoảng 3km), 38 công trình cầu (tổng chiều dài khoảng 12km) với nhiều cầu trụ cao và 20 hầm chui dân sinh”, ông Thành thông tin.

Mở ra cơ hội phát triển kinh tế trên trục Đông - Tây

Đánh giá về vai trò của tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng hội tụ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế với các lợi thế về giao thương, trung chuyển hàng hóa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ra biển; Có nền văn hóa đa bản sắc với nhiều danh lam thắng cảnh có điều kiện phát triển du lịch và có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.

Những năm qua, dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, song, vùng Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa là trung tâm kinh tế, chính trị lớn trong khu vực Nam Trung bộ. Đây là địa phương ven biển, có nhiều vùng vịnh gần với tuyến hàng hải quốc tế, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch và kinh tế biển.

Riêng khu kinh tế tổng hợp Vân Phong hiện đang là một trong ba khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong đó, khu Bắc Vân Phong tập trung phát triển cảng trung chuyển quốc tế, khu Nam Vân Phong tập trung phát triển cảng tổng hợp, cảng nội địa.

“Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ đã hình thành (QL19, QL24, QL25, QL26, QL28B, QL29).

Thế nhưng, mạng lưới giao thông khu vực hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có những tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ; Không có điều kiện phát triển phương thức vận tải đường thủy, hàng hải; Việc phát triển phương thức vận tải đường sắt không hiệu quả do chênh lệch độ cao lớn.

Những lý do đó khiến vùng Tây Nguyên và khu kinh tế Nam Vân Phong chưa có động lực phát huy tiềm năng”, lãnh đạo Ban QLDA 6 đánh giá, đồng thời cho biết, dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được đầu tư và khi hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản những bất cập nêu trên.

Mục tiêu đầu tư dự án cũng được nêu rõ tại Nghị quyết 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 được Quốc hội thông qua.

Trong đó, xác định, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, QL1, đường bộ ven biển), phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển…

“Việc sớm đầu tư dự án là cấp thiết bởi 5 lý do chính:

Một là, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các kết luận và nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hai là, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, là hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ba là, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.

Bốn là, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế và cuối cùng là phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm TNGT”, đại diện Ban QLDA 6 chia sẻ.

Sẵn sàng bứt tốc sau khởi công

Lãnh đạo Ban QLDA 6 cho biết, hiện tại, các sở ngành, địa phương đang tích cực triển khai công tác GPMB, bảo đảm diện tích bàn giao khoảng 70% cho các chủ đầu tư dự án thành phần, đáp ứng điều kiện cho việc khởi công và thi công dự án.

Về vật liệu thi công dự án, theo tính toán, đối với vật liệu cát, nhu cầu tại dự án thành phần 1 gần 0,3 triệu m3; dự án thành phần 2 cần gần 0,8 triệu m3; dự án thành phần 3 là gần 0,6 triệu m3.

Về vật liệu đất, nhu cầu đối với dự án thành phần 1 là hơn 2 triệu m3, dự án thành phần 2 gần 5 triệu m3, dự án thành phần 3 cần hơn 1,8 triệu m3.

Với vật liệu đá, dự án thành phần 1 cần 1,1 triệu m3; dự án thành phần 2 cần hơn 2,2 triệu m3; dự án thành phần 3 cần gần 1,2 triệu m3.

Các vị trí mỏ sử dụng làm vật liệu thông thường đã được UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk chấp thuận với trữ lượng đủ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vật liệu cho dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.