Hạ tầng

Khởi công sớm CHK quốc tế Long Thành tránh đội vốn

29/03/2018, 06:14

Việc sớm triển khai xây dựng CHK quốc tế Long Thành còn giải quyết bài toán quá tải Tân Sơn Nhất...

3

Bộ trưởng Bộ GTVTNguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường CHK quốc tế Long Thành tháng 11/2017 - Ảnh: Vĩnh Phú

Không thể chậm trễ hơn được nữa

Tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng CHK quốc tế Long Thành” diễn ra hôm qua (28/3), ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, tình trạng ùn tắc cả trên trời lẫn dưới đất diễn ra trầm trọng.

Theo ông Nam, nguyên nhân do số lượng hành khách đã vượt quá công suất khai thác. Không những vậy, việc nhà ga nội địa có điểm đón và điểm đi cùng ở trên một cốt đã tạo nên sự xung đột gây kẹt xe trong sân bay. Thêm nữa, hiện cầu vượt vào sân bay xây dựng, phân luồng chưa hợp lý cũng gây ùn tắc ngoài sân bay. Việc giảm quá tải, nâng công suất, làm thêm đường băng mới, mở rộng sân bay là không khả thi.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư CHK quốc tế Long Thành có phạm vi GPMB lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị công tác GPMB từ năm 2005. Hiện khó khăn là việc định giá đất đền bù phải được tính toán rất kỹ khi bắt tay vào làm. Đặc biệt, số lượng nhân khẩu phải di dời rất lớn (hơn 15.000 người) là thách thức không nhỏ trong việc tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi di dời.

Cũng theo ông Nam, hiện nay việc cần thiết là đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành. Sau khi hoàn thành, Long Thành sẽ trở thành sân bay quốc tế đáp ứng cho TP.HCM phát triển theo hướng là hạt nhân của cả khu vực. Còn Tân Sơn Nhất trở thành sân bay nội địa. “Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới khi sân bay phải dời ra ngoại thành, không thể để trong nội đô, nếu giữ lại chỉ có thể sử dụng để phục vụ nội địa. Thay vì dồn tiền mở rộng Tân Sơn Nhất chưa chắc giải quyết được tình trạng quá tải, nên tập trung nguồn lực làm sân bay Long Thành càng sớm càng tốt”, ông Nam nói.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đặt vấn đề: Số tiền bỏ ra làm Tân Sơn Nhất so với làm sân bay Long Thành nơi nào hiệu quả hơn? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN cho hay, các nước trên thế giới nổi tiếng về quy hoạch hạ tầng như Đức đã chứng minh những sân bay cũ thường không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại nói gì đến tương lai nếu không được nâng cấp. Hiện, Tân Sơn Nhất đã quá tải, một số hãng bay quốc tế đã buộc phải hạn chế tần suất bay đến sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, một hãng bay của hàng không Trung Quốc, thay vì bay đến Tân Sơn Nhất họ đã hạ cánh tại Phú Quốc và Cam Ranh. Hay như Nga, thay vì bay đến Tân Sơn Nhất họ đã lựa chọn bay về Tuy Hoà, Cam Ranh và Liên Khương.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Thời gian qua ACV đã xây dựng chi tiết về kế hoạch để sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, từ quá trình khởi công có thể làm sớm hơn một số hạng mục như san nền và có thể khởi công xây dựng các khu bay vào các năm 2021 và nhà ga vào các năm tiếp theo để có thể đưa CHK Long Thành hoàn thiện giai đoạn 1 vào khai thác.

Theo ông Bình, các bước xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đang được tiến hành và còn phải chờ Quốc hội thông qua (dự kiến tháng 10/2019). Tiếp đến là các bước chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng. ”Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng CHK Long Thành cần phải làm càng nhanh càng tốt tránh để đội giá. Theo tính toán sơ bộ, nếu chậm triển khai, nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Để kịp tiến độ, nhiều công tác có thể làm trước như rà phá bom mìn trước khi GPMB”, ông Bình cho biết.

Giải bài toán nguồn vốn, tái định cư

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015, đặt mốc 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1. “Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tỉnh Đồng Nai đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi lên Chính phủ. Dự kiến sẽ có mặt bằng sạch đến năm 2020 để khởi công một số hạng mục”, Thứ trưởng Đông nói.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cũng cho rằng, Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải, cần sớm triển khai xây dựng CHK quốc tế Long Thành. Việc huy động vốn cho dự án này không khó do tính chất lợi nhuận sân bay tương đối ổn định. “Tuy nhiên, một dự án đầu tư chỉ thật sự bắt đầu khi làm rõ được việc ai đầu tư? Họ xuống tiền với tư cách nào, là nhà đầu tư hay là tổ chức tín dụng? Họ xuống tiền bao nhiêu, khi nào và cho hạng mục đầu tư nào?”, ông Nam nêu vấn đề.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc chia sẻ từng nhiều lần tiếp xúc và gặp nhiều người dân trong phạm vi xây dựng sân bay, họ rất băn khoăn vì không biết có làm hay không bởi cuộc sống bị ảnh hưởng do phải sống trong khu vực quy hoạch treo. Do đó, khi tái định cư phải đáp ứng được lợi ích của người dân không những về vật chất mà còn là cuộc sống tinh thần. Dự án tuy còn nhiều khó khăn nhưng sẽ là triển vọng lâu dài cho người dân.

“Việc xây dựng hệ thống pháp luật cần năng động hơn với công nghệ kỹ thuật hiện đại thì xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ rất nhanh nhưng lo ngại nhất là cơ chế. Đối với công tác GPMB phải hài hòa lợi ích với người dân và triển khai nhanh chừng nào tốt chừng ấy, tránh đội phí dự án”, ông Quốc nói.

Xem thêm: Video Hiến kế đẩy nhanh tiến độ CHK Long Thành 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.