Mô hình cầu Thịnh Long |
Ngày mai (29/9), cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư chính thức được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Hiện thực hóa ước mơ ngàn đời
Bao đời nay, người dân hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, tỉnh Nam Định mong ước có một cây cầu nối liền đôi bờ sông Ninh Cơ để sớm thoát cảnh “qua sông phải lụy phà”. Nhằm đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, ngay từ những năm 2009 - 2010, tỉnh Nam Định đã tiến hành nghiên cứu, kêu gọi đầu tư xây dựng dự án cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn, quá trình kêu gọi đầu tư gặp nhiều trắc trở, đến năm 2013, UBND tỉnh Nam Định đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển dự án về Bộ GTVT để tiếp tục kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc do Ban QLDA1 (nay là Ban QLDA Thăng Long) làm đầu mối thực hiện.
Với năng lực và kinh nghiệm của một Ban QLDA được xếp loại hàng đầu của Bộ GTVT trong việc triển khai các dự án ODA, cùng sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan, công tác chuẩn bị thủ tục, hồ sơ dự án nhanh chóng được hoàn thiện và cuộc đàm phán cuối cùng về các điều khoản trong hiệp định vay vốn đã kết thúc vào cuối năm 2015. Đến ngày 30/3/2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký kết hiệp định vay vốn ODA của dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long với khoản hỗ trợ 55,96 tỷ KRW (tương đương 47 triệu USD) từ nguồn vốn vay ưu đãi của EDCF.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển Nam Định có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, gồm: Vốn vay từ EDCF là 970,176 tỷ đồng và 187,926 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Riêng phần chi phí GPMB do UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, quản lý và thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương. Dự án do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, liên danh Hanshin Engineering and Construction Co.,Ltd - Công ty CP Cầu đường Long Biên là nhà thầu xây lắp, thời gian thi công hoàn thành dự án dự kiến 27 tháng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, sau khi hiệp định vay vốn của dự án có hiệu lực từ ngày 30/5/2016, đến nay, các thủ tục để triển khai dự án xây dựng cầu Thịnh Long đã hoàn thành, đáp ứng các điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình theo quy định một dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Theo ông Lâm, đây là công trình có quy mô lớn và mang nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình hữu nghị, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc. Công trình sau khi hoàn thành sẽ từng bước đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ trong việc xây dựng, nâng cấp hệ thống GTVT đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường bộ ven biển được phê duyệt tại Quyết định 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
“Cầu Thịnh Long sẽ nối liền hai bờ sông Ninh Cơ, nơi đã hình thành các khu công nghiệp với các nhà máy đóng tàu lớn, cảng biển Thịnh Long nằm gần cửa biển Lạch Giang được quy hoạch là cảng nước sâu, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, khu nghỉ mát Thịnh Long,… hiện thực hóa ước mơ xóa bỏ đôi bờ Ninh Cơ bao đời nay của người dân hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng”, ông Lâm nói và cho biết thêm, hiện nay, giao thông kết nối giữa hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng chủ yếu bằng phà, rất khó khăn đặc biệt trong điều kiện mưa bão, cầu Thịnh Long sẽ rút ngắn khoảng 60km đối với các phương tiện trọng tải lớn và các phương tiện khác khi phà Ninh Cơ không đáp ứng được.
Đối với tuyến vận tải kết nối thị trấn Thịnh Long với TP Nam Định, sẽ rút ngắn khoảng 10km do không phải đi vòng qua cầu Lạc Quần. Ngoài ra, khi cầu Thịnh Long đi vào khai thác sẽ nâng cao khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa), tiết kiệm chi phí cho các phương tiện vận tải so với hiện nay.
Cầu chính dài 988,47m được thiết kế vĩnh cửu
Ông Hoàng Văn Thọ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ (HECO - tư vấn lập dự án) cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long được Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật tại Quyết định 3598 ngày 18/11/2016. Theo đó, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 2.359,58m, điểm đầu giao cắt với QL21 tại Km 202+400 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), điểm cuối giao cắt với tỉnh lộ 490C tại khoảng Km40+698,42 (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
“Phần cầu chính có chiều dài 988,47m (Km 1+194,019 - Km 2+182,489) được xây dựng tại vị trí cách bờ biển 7,5km, nối từ nút giao QL21, vượt qua sông Ninh Cơ kết nối với nhánh của nút giao với ĐT490C và phần đường dẫn phía huyện Hải Hậu dài 1.194,019m, phía huyện Nghĩa Hưng dài 177,091m”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, cầu Thịnh Long được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng thiết kế HL93. Cầu có bề rộng 12m, gồm hai làn xe cơ giới (mỗi làn 3,5m), hai làn xe thô sơ (mỗi làn 2m) và lan can mỗi bên cầu rộng 0,5m. “Cầu Thịnh Long gồm 19 nhịp, trong đó, kết cấu nhịp chính dùng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 300m và kết cấu nhịp dẫn dùng dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực. Mố và trụ cầu dẫn bằng bê tông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi đường kính 1,5m. Trụ cầu chính dùng dạng trụ thân 2 cột bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi đường kính 2m, lớp phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa chặt C19 dày 7cm”, ông Thọ thông tin.
Đối với phần đường dẫn của dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, nền đường rộng 12m, gồm 2 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. “Thiết kế phần đường dẫn của dự án đảm bảo mô đuyn đàn hồi yêu cầu Eyc≥140MPa, mặt đường cấp cao A1 dày 50cm gồm các lớp bê tông nhựa chặt C12,5 dày 5cm, tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2; bê tông nhựa chặt C19 dày 7cm, tưới nhựa dính bám 0,5km/m2, cấp phối đá dăm loại I dày 15cm và cấp phối đá dăm loại II dày 23cm”, ông Thọ nói và cho biết thêm, dự án còn tiến hành xây dựng nút giao với QL21 tại Km 202+400 được thiết kế dạng giao bằng tự điều khiển, vuốt nối với đường hiện tại, điều tiết giao thông bằng đảo xuyến, các đảo phân làn và vạch sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận