Kinh tế

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn giảm 36%

06/08/2024, 18:28

Bộ Tài chính cho biết, 7 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn là 88,8 nghìn tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 7/2024, có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN) thành công với với khối lượng khoảng 45 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với tháng 6/2024; tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành 35,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 78% khối lượng phát hành), doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành 5,5 nghìn tỷ đồng (12,1%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng (9,9%).

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn giảm 36%- Ảnh 1.

56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công trong tháng 7

Về tài sản đảm bảo (TSĐB), chỉ có 6,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành trong tháng 7 có điều khoản bảo đảm (chiếm 14% khối lượng phát hành). Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp BĐS có điều khoản bảo đảm chiếm 86,5%; trái phiếu của TCTD không có TSĐB.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với với khối lượng 161,5 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Hơn 109 nghìn tỷ đồng (chiếm 67,5% khối lượng phát hành) là trái phiếu do TCTD phát hành. Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành gần 38,7 nghìn tỷ đồng (24%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành 13,8 nghìn tỷ đồng (8,5%).

Có 24 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm (14,9% khối lượng phát hành). Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp BĐS có điều khoản bảo đảm chiếm 84,4%; trái phiếu của TCTD không có TSĐB.

Về tình hình thị trường thứ cấp, theo thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch đạt 566.857 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.049 tỷ đồng/phiên.

Bất chấp áp lực đáo hạn còn đè nặng, nhiều doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu. Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với khoảng 96.200 tỷ đồng, lãi suất bình quân khoảng 5,4%/năm, kỳ hạn 4 năm. Một số ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Techcombank (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), MBBank (8.900 tỷ đồng),...

Trong thời gian tới, các ngân hàng đã thông qua nhiều kế hoạch phát hành trái phiếu lớn. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank (mã LPB) dự kiến phát hành tối đa 12 đợt trái phiếu, tổng giá trị 6.000 tỷ đồng để tăng vốn cấp 2 và cho vay khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm với tổng giá trị tối đa 3.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5-10 năm.

Ở nhóm bất động sản, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) sắp phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu mới dự kiến có kỳ hạn 3 năm, tài sản đảm bảo là gần 34,5 triệu cổ phần CTCP Southgate thuộc sở hữu của Nam Long.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.