Những ngày vừa qua, người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch rất vui mừng trước thông tin chính quyền vừa khôi phục một phần con đường "thiên lý Bắc - Nam" nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên di tích Hoành Sơn quan.
Theo người dân địa phương, trước đây, trên con đường thiên lý Bắc - Nam, khi qua địa phận tỉnh Quảng Bình muốn qua Hà Tĩnh, người dân, các bậc tiền nhân phải men theo triền núi để vượt đỉnh Hoành Sơn cao chót vót.
Sau khi tuyến đường vượt đèo Ngang và hầm đường bộ Đèo Ngang được xây dựng nối thông giữa 2 tỉnh, con đường mà các bậc tiền nhân đi lại ngày xưa ít người qua lại dần và bị vùi lấp giữa rừng lá.
Con đường mới phát hiện dài hơn 1km với khoảng 1.000 bậc đá cổ, đi qua bia Hạ Mã trước cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) men theo triền núi, giữa rừng rậm, dẫn lên đỉnh đèo Ngang qua Hoành Sơn quan, để qua phía Hà Tĩnh.
Thông tin với PV, ông Trần Quang Trung - Phó chủ tịch UBNĐ huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, từ thông tin của các bậc cao niên ở địa phương xã Quảng Đông, huyện đã tổ chức khảo sát và phát hiện dấu tích của một lối mòn được xếp bằng các bậc đá cổ xưa, xếp lên nhau, vừa dấu chân, nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên cổng Trời (Hoành Sơn quan).
Theo ông Trung, việc phát hiện này có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, góp phần quan trọng giúp các nhà khảo cổ trong việc xác định lối đi của con đường “thiên lý Bắc - Nam” và hiểu thêm cách người xưa vượt đèo Ngang hiểm trở.
Ngoài ra, dọc đoạn đường thiên lý này, cơ quan chức năng còn phát hiện một số ngôi mộ cổ được lấy đá làm nấm mộ. Theo các bậc cao niên ở địa phương, có thể mộ đá trên là mộ của binh lính canh cổng Hoành Sơn quan ngày xưa nằm lại được người dân chôn cất khi qua đời.
Theo sử sách ghi lại, Hoành Sơn quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cửa ải được xây trên núi, xung quanh được xây dựng bằng đá núi, phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính.
Đội quân xây dựng Hoành Sơn quan là 300 người, do thự Bố Chính là Trần Văn Tuân cai quản, thời gian hoàn thành là 1 tháng, sau khi hoàn thành thì 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau canh giữ.
Cửa ải Hoành Sơn quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường “thiên lý Bắc-Nam” với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ năm Minh Mạng thứ 14. Cũng trong thời gian này, tuyến đường “thiên lý Bắc - Nam” được xây dựng với mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.
Hiện, 1.000 bậc thang đá phía Nam ải Hoành Sơn quan với chiều dài khoảng 1km, dấu tích của con đường thiên lý Bắc - Nam xưa đã được huyện Quảng Trạch tổ chức phát lộ, khôi phục.
Theo sử sách ghi lại, tháng 3/1833, Vua Minh Mạng thiết lập cửa ải trên núi Hoành Sơn quan nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, nên gọi với cái tên là "Hoành Sơn quan" - người địa phương quen gọi là "Cổng Trời". Khách bộ hành dọc đường "thiên lý Bắc - Nam" phải qua duy nhất cánh cổng này.
Cửa ải được xây trên núi, xung quanh được xây dựng bằng đá núi, phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính. Đội quân xây dựng Hoành Sơn quan là 300 người, thời gian hoàn thành là 1 tháng, sau khi hoàn thành thì 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau canh giữ.
Cửa ải Hoành Sơn quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường "thiên lý Bắc - Nam" với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ năm Minh Mạng thứ 14. Theo đó, trong thời gian này, tuyến đường "thiên lý Bắc - Nam" cũng được xây dựng giữa 2 mái núi Hà Tĩnh và Quảng Bình với mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận