Theo Cục Đường thủy nội địa VN, 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường thủy đạt 134,8 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Riêng đội tàu pha sông biển VR-SB hoạt động tuyến ven biển, trong 6 tháng có hơn 30.000 lượt vào, rời cảng bến thủy, cảng biển (tăng 134%), sản lượng vận tải hàng hóa đạt gần 30 triệu tấn, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020.
5 tàu cao tốc chở khách được kiểm tra, chứng nhận đăng kiểm kịp thời để vận chuyển hàng
Dùng 5 tàu cao tốc chở khách để chở hàng
Ngày 19/7, trong ngày đầu tiên 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hai chuyến tàu thủy cao tốc chở khách của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP được chuyển sang vận chuyển nông sản thiết yếu từ Tiền Giang về TP HCM để phục vụ người dân.
Hàng ngày, các tàu xuất phát từ 6h sáng tại bến Bạch Đằng (TP HCM) và 12h trưa quay về cùng hàng hóa; 13h chiều tiếp tục khởi hành để chở thêm một chuyến trong ngày.
“Sau khi các lái tàu, thuyền viên quen hành trình, tàu cao tốc sẽ chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu”, đại diện Công ty DP thông tin.
Một ngày trước đó, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN triển khai “luồng xanh” đường thủy để hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, đơn vị vận tải dùng 5 tàu cao tốc chở khách để chuyển sang chở hàng nhu yếu phẩm và vật tư y tế từ các tỉnh ĐBSCL đến địa bàn TP HCM và ngược lại...
Thuyền trưởng, thuyền viên phải đảm bảo đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 và có xét nghiệm SARS-CoV2. Các phương tiện chỉ di chuyển từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đi thẳng về bến Bạch Đằng, TP HCM.
Lãnh đạo các cảng vụ đường thủy nội địa khu vực cho biết, các đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 - 2021, trong khi vận tải đường bộ gặp khó khăn, các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy duy trì rất tốt, góp phần phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường thủy đạt 134,8 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Riêng đội tàu pha sông biển VR-SB hoạt động tuyến ven biển, trong 6 tháng có hơn 30.000 lượt vào, rời cảng bến thủy, cảng biển (tăng 134%), sản lượng vận tải hàng hóa đạt gần 30 triệu tấn, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN, để việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cảng vụ đường thủy nội địa khu vực phía Nam cần tạo điều kiện tối đa, làm thủ tục vào, rời cảng, bến nhanh nhất; đẩy mạnh làm thủ tục trực tuyến.
Ông Bùi Công Phước, Phó giám đốc phụ trách Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III thông tin, các phương tiện khi vào, rời cảng bến thủy do đơn vị quản lý chỉ cần gửi hình ảnh, giấy tờ thuyền viên, phương tiện cho cảng vụ là được tiếp nhận, giải quyết thủ tục nhanh chóng để vào, rời cảng bến.
Về phía Cục Đăng kiểm VN, lãnh đạo Phòng tàu sông cho biết, ngay sau khi có đề nghị của doanh nghiệp và ý kiến của Sở GTVT TP HCM, trong hai ngày 17 - 18/7, Cục Đăng kiểm VN và Chi cục Đăng kiểm số 6 khẩn trương làm việc, kiểm định phương tiện và đã cấp hồ sơ đăng kiểm cho 5 tàu cao tốc nói trên.
Cục cũng đã đề nghị các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sửa chữa phương tiện và vận tải thủy bố trí, cung cấp kịp thời phương tiện thủy để đáp ứng vận chuyển hàng hóa thiết yếu khi địa phương có yêu cầu.
Linh hoạt thủ tục y tế
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại một số khu vực trên toàn quốc, chủ trương chung là không hạn chế hoạt động đối với phương tiện thủy vận tải hàng hóa trên các tuyến đường thủy quốc gia, góp phần duy trì cung ứng vận tải hàng hóa, vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Tại khu vực phía Nam, thực tế cho thấy, trước khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, một số địa phương (như An Giang) không cho phương tiện vận tải hàng hóa ở địa phương khác vào.
Trong khi, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang yêu cầu tất cả thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa phải có phiếu xét nghiệm âm tính vớiSARS-CoV2 hoặc test nhanh kháng nguyên.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, yêu cầu trên gây bất cập, khó khăn đối với hoạt động và lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường thủy.
Phương tiện thủy có thời gian hành trình 3 - 5 ngày và thuyền viên chỉ ở trên tàu. Nếu đã có kết quả xét nghiệm tại cảng, bến xuất phát thì khi đến tỉnh khác cũng bị hết hạn và thuyền viên phải đi xét nghiệm lại. Cùng đó, thuyền viên cũng gặp nhiều khó khăn tìm nơi xét nghiệm.
“Cục Đường thủy nội địa VN có văn bản đề nghị sở, ngành chức năng của Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang chỉ yêu cầu tàu khi vào, rời cảng, bến cảng biển cử 1 thuyền viên (có giấy xét nghiệm hoặc test kháng nguyên) lên bờ làm thủ tục cảng vụ.
Trường hợp phương tiện thủy xuất phát từ cảng, bến xuất phát đầu tiên và quá 3 ngày mới đến vẫn được chấp nhận thực hiện thủ tục vào cảng, bến”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Đề xuất xét nghiệm y tế lưu động
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, ngày 19/7, Bộ Y tế có văn bản cho phép các đơn vị y tế cấp xã trở lên và y tế tư nhân được lấy mẫu, cấp chứng nhận xét nghiệm kết quả SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, đặc thù của vận tải thủy là phương tiện, thuyền viên thường liên tục ở trên sông nước và cảng, bến cách xa các trung tâm y tế nên việc đi lại để xét nghiệm y tế gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, các địa phương trong vùng dịch nên tổ chức các điểm xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận y tế tại các cảng, bến thủy lớn hoặc cảng biển để tạo thuận lợi cho thuyền viên phương tiện thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận