Chưa xác định được loại dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước
15h30 ngày 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội.
Tại cuộc họp này, phía cơ quan công an cho biết nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, nên ngày 16/10, Công huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự về hành vi gây ô nhiễm nguồn nước theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Khắc Long - Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường, Sở TNMT Hòa Bình cho hay các bên đang làm rõ trách nhiệm liên quan. "Ngay trong sáng 14/10, chúng tôi đã xuống hiện trường kiểm tra nơi đổ dầu thải. Các thông tin Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc đưa ra là thông tin ban đầu chưa chính xác. Việc khảo sát khá phức tạp. Sau đó, chúng tôi xuống kiểm tra thực tế phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình mới rõ ràng hơn", ông Long nói.
Ông Nguyễn Khắc Long cho biết thêm, trách nhiệm của nhà máy là phải kiểm tra, nước đạt tiêu chuẩn về y tế mới được cung cấp cho khách hàng. Đối với nguồn nước đầu vào, phải có phương án cụ thể mới đưa nước vào nhà máy sản xuất. Liên quan đến hồ Đồng Bài, việc quản lý bảo vệ nguồn nước dẫn vào hồ là việc quan trọng. Việc này đòi hỏi phải có vùng bảo hộ, bảo vệ vùng nước. Nước trước khi đưa vào, phải lấy mẫu đánh giá. Việc này phải theo quy trình của nhà máy.
Hiện Cục Bảo vệ môi trường đã lấy mẫu nước mặt, mẫu dầu thải, đánh giá mức độ, tính chất các loại dầu. Hiện vẫn chưa xác định được là loại dầu thải gì.
Các cơ quan đã lấy mẫu ở các kênh dẫn nước, khu vực bơm nước vào nhà máy. Đánh giá về chỉ tiêu hóa chất, dính dầu hay không, cái này phải phân tích khoảng 1 tuần mới có kết quả.
Bao giờ nước nhà máy mới dùng được?
"Hiện tại, về cơ bản dầu tràn đã được nhà máy tổ chức thu gom. Cây cỏ rác dính dầu, đất… đã được đưa về lưu trữ tại nhà máy. Sau này sẽ xử lý theo quy định. Chúng tôi lội xuống suối kiểm tra thì nước còn khét, nhiều vùng còn váng dầu", vị đại diện Chi cục môi trường nói thêm.
Ngoài váng dầu đã được thu gom, còn nhiều dầu dính vào cát, đáy suối. Chỉ khi nào xử lý được nguồn nước tại suối Trầm, khi đó mới khẳng định được việc cung cấp nước cho nhà máy được đảm bảo. Liên quan đến các kênh con và các suối dẫn nước vào hồ Đồng Bài. Trước đây, đã có phao chắn, ngăn rác chảy vào, nay nhà máy sử dụng phao chắn chuyên dụng.
Khi phóng viên thắc mắc việc thông tin gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường có chậm trễ hay không, ông Long cho rằng, thông tin đưa ra của Bộ, về cơ bản không sai lệch nhiều so với báo cáo của Chi Cục môi trường vào ngày 14/10, ông Long nói.
Cách nào bảo vệ nguồn nước sạch cấp cho dân?
Trả lời câu hỏi: "Với hành vi như thế này, việc đầu độc nguồn nước Hà Nội quá dễ. Vậy UBND tỉnh Hòa Bình có cách gì bảo vệ?", ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình cho biết: UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt bảo vệ nguồn nước sông Đà. Ngày 15/1/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định phê duyệt hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đà về nhà máy nước sạch.
Việc này được tỉnh thực hiện quyết liệt, tăng cường đôn đốc, giám sát. Tiếp đó là tăng cường tuyên truyền tới toàn thể nhân dân trong việc bảo vệ nguồn nước.
Ông Bùi khắc Long cho biết thêm: "Ngoài văn bản của Hòa Bình, còn có nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ nguồn nước sạch sông Đà, phê duyệt cắm mốc giới bảo vệ nguồn nước. Giải pháp trước mắt giải quyết triệt để ô nhiễm nguồn nước. Về lâu dài phải kiểm soát tốt nước từ các suối chảy về hồ Đồng Bài, phải lắp đường ống kín. Tức là bơm nước trực tiếp từ sông Đà vào nhà máy.
Che giấu, lấp liếm thông tin xử lý thế nào?
Liên quan đến thông tin cho rằng Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà che giấu, lấp liếm thông tin, Công an tỉnh Hòa Bình có truy cứu trách nhiệm của Công ty hay không, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình nói: "Trên cơ sở căn cứ hành vi, sai đến đâu xử lý đến đó. Trong quá trình điều tra chúng tôi sẽ làm rõ việc này. Khi phát hiện nước ô nhiễm, Công ty nước sạch tăng lượng clo khiến nước càng có mùi. Việc này phụ thuộc vào quy trình xử lý nước và cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Sau khi kiểm tra và có kết luận, cơ quan công an sẽ xử lý theo luật định".
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm, phía công an tỉnh ngay sau khi phát hiện vụ việc, đã khẩn trương xuống hiện trường thu thập, lấy lời khai, truy xét, truy tìm đối tượng xả thải dầu xuống suối Trầm. Công an đã tham mưu cho công ty, chính quyền địa phương tổ chức thu gom chất thải, khắc phục hậu quả.
Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra. Hiện công an tỉnh đang gấp rút điều tra, truy bắt đối tượng gây ra ô nhiễm.
Kết luận buổi họp báo, ông Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình kết luận, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, là bài học sâu sắc cho tỉnh. Ông Toàn cảm ơn báo chí đã nêu câu hỏi liên quan tới sự bức xúc của nhân dân. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng đã trả lời thẳng thắn, không né tránh. UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo quyết liệt vào cuộc giải quyết vụ việc. Đến giờ sự cố đã được khắc phục từng bước.
"Chúng tôi thiệt hại nhiều nhất"
Trả lời câu hỏi Công ty nước sạch có lỗi với dân không? Vì sao chưa xin lỗi, tại họp báo, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho biết đã thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, đơn vị đủ năng lực xử lý sự cố, để nạo vét tất cả váng dầu đầu vào.
Ngày 16/10 công ty đã súc xả hệ thống và cấp nước lại, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội có đến lấy mẫu ngày 16/10 nhưng chưa có kết quả. UBND TP Hà Nội chưa cho phép công ty công bố nước đủ tiêu chuẩn ăn uống. Khi nào có kết quả xét nghiệm mẫu nước sẽ công bố cho báo chí", ông Khoa cho biết.
Về trách nhiệm cụ thể, công ty sẽ ngồi lại để xem xét. Tất cả phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Trả lời câu hỏi công ty có đền bù cho người dân không, ông Khoa nói: "Nếu nói về thiệt hại chúng tôi là người thiệt hại nhất. Khi nào có kết quả xét nghiệm nước và có kết luận của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, chúng tôi sẽ mời phóng viên vào nhà máy".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận