Nhiễm trùng vì làm má lúm đồng tiền |
2 lần chỉnh sửa nâng mũi vẫn biến chứng
Theo chia sẻ của chị Phạm T. V. (Nghệ An), cách đây hai năm chị quyết định sửa nâng mũi, nhưng được gần 1 năm thì ngay đầu mũi nổi lên cục mụn lớn kéo dài cả tháng… Quá hoảng, chị V. tìm đến bác sĩ và được chẩn đoán bị nhiễm trùng, phải lấy sống mũi nhân tạo ra và được hẹn 6 tháng sau “gắn” lại. Sau khi lấy ra sống mũi và hút mụn đã để lại sẹo lõm ngay đầu mũi. Lần thứ hai đi “gắn” lại sống mũi, chị V. cho hay: “Lúc đầu nhìn rất ổn, tuy nhiên sau đó gần 1 năm thì có dấu hiệu hụt sống mũi và chảy nước trong vàng. Hiện ,lúc nào đầu mũi em cũng bị đỏ và chảy nước vàng, không hiểu có phải là mủ không nữa?”. Dự kiến, sẽ làm mũi lại lần 3 bằng sụn tự thân, tuy nhiên chị V. không khỏi lo lắng: “Nếu bỏ, đầu mũi lại lõm như lần trước thì mất tự tin lắm”.
"Hiện, những sai sót nhỏ như mũi vẹo hoặc quá dài, quá cao, gây thủng sụn mũi, ngực bị co bao, lệch lạc... vẫn thường xảy ra. Vì vậy, bác sĩ thẩm mỹ phải luôn đặt an toàn và hiệu quả của bệnh nhân lên trên hết, không nên vì lợi nhuận hay thiếu hiểu biết mà làm không đúng quy định của cơ quan quản lý. Hiện nay, nhiều cơ sở quảng cáo quá sự thật, không đúng với khả năng hành nghề, chưa kể nói quá với nội dung trong giấy phép hành nghề. " PGS. TS. Nguyễn Tài Sơn |
Có khuôn mặt ưa nhìn, tuy nhiên, lúc nào chị Lý P.T. (Hà Nội) cũng không hài lòng vì cặp mắt mí lót của mình. Cân nhắc rất nhiều, chị quyết định phẫu thuật thẩm mỹ nhấn mí với giá hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hai tháng nhấn mí, trên phần mí để lại 2 vết nổi cục nhỏ đỏ, nhìn rất khó chịu. Tìm lại thẩm mỹ viện thực hiện nhấn mí, chị được biết mình bị viêm nốt chỉ, phải uống vài ngày thuốc để chữa viêm. Tương tự là trường hợp chị Trần T.T. (Hà Nam) cũng thất vọng tràn trề với cặp mắt sưng to, thiếu tự nhiên và “trông rất dữ” như lời chị thổ lộ. Cũng chỉ vì cặp mí thẩm mỹ này mà vợ chồng chị cãi cọ với nhau không biết bao nhiêu lần. “Tiền mất đã đành, nhưng đúng là tật mang, giờ muốn chỉnh lại mà chưa dám. Chưa kể ngày nào ông chồng nhìn thấy mặt cũng đay nghiến, chê bai”, chị T. thổ lộ.
Khủng khiếp hơn cả, trường hợp chị Phạm T.P. (Hải Phòng), sau phẫu thuật cắt, nhấn tạo hai mí thì chị hoàn toàn không thể nhắm mắt như bình thường được nữa. Quá lo lắng, chị phải nhờ bạn bè tìm bác sĩ thẩm mỹ có tay nghề cao để can thiệp. May mắn cho chị P., sau can thiệp giờ chị thoát khỏi cảnh khó chịu vì “bị bó nhãn cầu do co rút sẹo”.
Theo BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, BV T.Ư Quân đội 108, trong quá trình làm nghề, ông đã gặp và can thiệp cho rất nhiều phiên bản thẩm mỹ “lỗi”. “Với các trường hợp “lỗi” trong thẩm mỹ sửa, nâng mũi thì các ca mũi tái cấu trúc là khó “nhằn” nhất. Đây là những ca được chỉnh từ mũi gốc ngắn hoặc bị hếch và can thiệp để làm dài mũi. Bên cạnh đó, còn có các biến chứng sơ sẹo, thậm chí có trường hợp bệnh nhân không thở được sau khi mổ làm sơ hóa, hẹp đường thở. Với những ca này, chỉ có thể tháo gỡ, phục hồi lại bản mũi cũ, không hy vọng chỉnh sửa gì khác”. Ông Thọ cũng nhấn mạnh, với những trường hợp cắt cánh mũi rồi thì rất khó can thiệp, một số trường hợp có thể nới rộng nhưng để lại sẹo. “Chớ nên làm phẫu thuật cắt cánh mũi, chỉ khi bất hợp lý lắm mới nên thực hiện và dưới sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ”, ông Thọ khuyến cáo.
Cẩn trọng với làm lúm đồng tiền ở spa
Riêng với những ca cắt mí, mọi người vẫn nghĩ là thủ thuật đơn giản, tuy nhiên, ông Thọ nhấn mạnh: “Mí là cả hệ thống cơ nhằng nhịt, cắt gì, để gì là rất khó, nếu bác sĩ không thực sự có tay nghề thì rất dễ để lại nhiều bản “lỗi”.
Đáng lo nhất là thủ thuật làm má lúm đồng tiền hay cắt mí tại các spa. Đơn cử trường hợp cô gái trẻ có tên Trần P.L. (TP HCM). Chia sẻ trên trang cá nhân, L. mới làm má lúm được 2 tháng, mới đầu làm cũng đẹp. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, L. thấy phần má lúm sưng, đau. Lo lắng nên L. tìm đến bệnh viện, tại đây, bác sĩ cho hay, do chỉ không tiêu nên bị viêm nhiễm bên trong. “Mình đi khám lại và đã làm tiểu phẫu đơn giản để kéo hết chỉ ra, hóa ra nơi đó khâu bằng chỉ nilon cho mình xoắn và kéo mãi không ra được, do uống thuốc nên lúc mổ ra đã không còn nhiều mủ và tiểu phẫu ngoài mặt”.
BS. Huy Thọ cho hay, biến chứng thường gặp với tạo má lúm đồng tiền là lòi chỉ, viêm, nhiễm trùng vì thiếu đảm bảo điều kiện vô trùng. “Thường má lúm do nhóm cơ dính vào da co rút lại khi cười là bẩm sinh. Dựa vào cơ chế đó, người ta tạo má lúm, tuy nhiên, khi cơ không đủ để co thì lúc nào trên mặt cũng có má lúm đồng tiền. Rất hiếm có má lúm trông tự nhiên. Và không phải ai cũng làm được má lúm đồng tiền. Ví như, với những người có khuôn mặt gầy quá không nên làm má lúm, sẽ tạo khoảng lồi lõm nhiều trên mặt gây cảm giác chóng già”, BS. Thọ khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận