Bạn cần biết

Khốn khổ cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết

01/08/2017, 07:56

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Hà Nội, có trường hợp cả nhà phải nằm viện vì dịch bệnh này.

15

Cả gia đình chị Lưu Thị Th. đồng loạt nằm viện vì sốt xuất huyết

Hiện, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2016. Có những trường hợp cả gia đình phải vào viện điều trị vì mắc SXH. Trước tình trạng các bệnh viện công trên địa bàn đều quá tải bệnh nhân SXH, Hà Nội tính phương án huy động cơ sở y tế tư nhân vào cuộc chống dịch.

Mắc chùm SXH, cả nhà nhập viện

4 ngày nay, cả nhà chị Lưu Thị Th. (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) “rủ” nhau vào BV Đa khoa Trí Đức điều trị SXH. Chị Th. chia sẻ, cuối tuần qua, đồng loạt 4 người trong gia đình (bố, mẹ, con gái và bà ngoại) cùng có dấu hiệu sốt cao, nghi ngờ mắc SXH do nằm trong khu vực ổ dịch, nên dắt díu nhau vào Viện 198 thăm khám và cùng được chẩn đoán mắc SXH. Hai vợ chồng chị có BHYT tại viện nên được giữ lại điều trị, còn con nhỏ sang BV Nhi T.Ư và mẹ chị lại được giới thiệu sang viện khác do BV quá tải. “Nhà 4 người mà tứ tán khắp nơi nằm điều trị thì ai chăm con, chăm mẹ. Cả nhà đành đưa nhau về nằm điều trị dịch vụ tại BV Đa khoa Trí Đức. Do nằm dịch vụ nên chi phí cao, khoảng hơn chục triệu đồng, nhưng cũng phải chấp nhận”, chị Th. cho biết.

Gia đình ông Lê Khắc H., (trú tại Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) còn khốn khổ hơn khi trong tháng qua, 10/15 thành viên của gia đình thay phiên nhập viện vì bệnh SXH. Có những lúc cả mấy cha con cùng nằm viện. Điều trị được 5-6 ngày, thấy đỡ hơn, ông H. phải xin về nhà buổi tối nghỉ ngơi vì “nằm chung 2-3 người/giường thấy ốm hơn”. Bệnh tình ông H. chưa dứt, vợ ông - bà Nguyễn Thị C. lại mắc SXH.

“Cả nhà thay phiên mắc SXH khiến cuộc sống đảo lộn, mệt mỏi. 10 người nằm viện, chỉ 3 người có BHYT nên chi phí điều trị cũng là gánh nặng, đến nay ước tính đã phải chi khoảng 40 triệu đồng. 5 người khỏe còn lại chưa biết khi nào SXH “ghé thăm”. Cả nhà nheo nhóc ốm, nên công việc chợ búa phập phù, hôm có hôm không”, ông H. nói và cho biết thêm, hàng xóm nhà ông, nhiều gia đình cũng mắc chùm SXH, còn lại gia đình nào cũng có ít nhất một người mắc SXH.

60 nghìn người sốt xuất huyết, bệnh viện quá tải

Thống kê từ Bộ Y tế, 7 tháng đầu năm 2017, số người mắc SXH trên cả nước lên đến gần 60.000 người, 17 người đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tăng trên 12%. Trong đó, riêng tại Hà Nội số người mắc SXH đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai vừa cứu sống một phụ nữ mang thai 37 tuần bị SXH ngày thứ 4 biến chứng nguy kịch, tiểu cầu hạ thấp, ra huyết âm đạo và có dấu hiệu chuyển dạ. May mắn, bệnh nhân được theo các bác sĩ liên khoa Truyền nhiễm và Sản theo dõi sát sao và cấp cứu kịp thời. Sản phụ đã đẻ thường thành công một bé gái nặng 2,8kg.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm, Hà Nội có gần 8.000 người mắc SXH với 900 ổ dịch, trong đó 72% ổ dịch nhỏ chỉ có 1 hoặc 2 bệnh nhân. Theo ghi nhận chung của Sở Y tế Hà Nội, cho đến nay tất cả 28 bệnh viện ở nội thành Hà Nội đều có người bị SXH đến điều trị. Nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải căng thẳng, bệnh nhân SXH phải nằm ghép chung giường, nằm hành lang như các BV Đa khoa: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa... Các BV tuyến T.Ư như: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư… cũng không nằm ngoài áp lực quá tải bệnh nhân điều trị, với đa phần là bệnh nhân nặng có dấu hiệu biến chứng SXH được chuyển tới từ tuyến cơ sở.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, Sở sẽ họp với khối y tế ngoài công lập để chọn các phòng khám đủ điều kiện khám, chữa bệnh. Theo đó, các phòng khám có đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng điều kiện về danh mục kỹ thuật là chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh SXH cùng tham gia tiếp nhận bệnh nhân. Cùng với các phòng khám đa khoa khu vực của trung tâm y tế quận, huyện, các phòng khám này sẽ là điểm tiếp nhận ban đầu bệnh nhân mắc SXH. “Người bệnh phát hiện có sốt bất thường đến ngay các phòng khám này để tiến hành xét nghiệm và theo dõi, nếu có dấu hiệu nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên. Khi người bệnh điều trị ổn định ở tuyến trên được chuyển trở lại theo dõi ở phòng khám này, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”, bà Hà cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.