Hiện đã có hơn 1,3 triệu GPLX được tích hợp |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền cho biết, theo quy định tại khoản 3 điều 45, Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT : “Người có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách GPLX theo quy định tại Điều 50 của Thông tư này”.
Như vậy quy định này là để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tách GPLX, chứ Bộ GTVT không bắt buộc người dân phải tách GPLX. Sở dĩ có quy định này vì đây là mục tiêu tạo điều kiện cho người dân khi có ý kiến cho rằng nếu tích hợp hai loại GPLX khi bị giữ GPLX ô tô sẽ không được lái xe mô tô (loại GPLX không có thời hạn).
“Theo Thông tư 46/2012/TT-BGTVT trước đây, Bộ GTVT đã quy định mỗi người chỉ có một GPLX duy nhất để phục vụ công tác quản lý, thuận lợi cho người dân (chỉ có một loại giấy tờ), phù hợp thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật khi xử lý vi phạm giao thông, nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, mỗi người lái xe cũng chỉ được cấp 1 GPLX duy nhất. Người điều khiển phương tiện (bất kể đó là loại phương tiện nào) nếu phạm những lỗi nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, chạy ẩu, uống rượu khi lái xe sẽ bị thu giữ GPLX. Điều này càng có ý nghĩa khi ý thức của người tham gia giao thông ở Việt Nam còn hạn chế”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết thêm.
Theo bà Hiền, sau khi có quy định tích hợp này thì có nhiều ý kiến người dân đề nghị tách ra để tạo điều kiện khi tham gia giao thông. Có không ít người đã có GPLX mô tô hạng A1, khi học thi mới có thêm GPLX ô tô, không muốn tích hợp vì muốn khi vi phạm bị giữ 1 GPLX thì vẫn được sử dụng GPLX kia. Sau khi có kiến nghị từ phía người dân muốn giữ lại GPLX hạng A1 phục vụ nhu cầu làm ăn sinh sống, năm 2015 Bộ GTVT đã xem xét đưa nội dung cho phép tách hai loại GPLX đối với người có nhu cầu tại Thông tư số 58 trên, tạo thuận lợi cho người dân trong điều kiện thực tế hiện nay.
Thực tế từ khi cho phép tách hai loại giấy phép này, có rất ít người dân có nhu cầu tách vì hầu hết đều không muốn phải giữ nhiều loại GPLX.
Về con số hơn 355 tỷ đồng mà Tổng cục Đường bộ VN báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính để tách 1,31 triệu GPLX đã tích hợp là con số tính theo quy định thu lệ phí của Bộ Tài chính, đánh giá tác động nếu tách toàn bộ số GPLX đã tích hợp, không phải là chi phí mà người dân bắt buộc phải nộp phí để tách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận