Thông tin đến đường dây nóng Báo Giao thông, bạn đọc Nguyễn Văn Thuận (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, vừa qua CSGT tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn và được đông đảo người dân ủng hộ, chấp hành. Tuy nhiên, có không ít tài xế cố tình không thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu.
"Nhiều người thấy lực lượng CSGT thì bỏ xe lại rồi chạy trốn đi nơi khác với suy nghĩ CSGT không đo được nồng độ cồn thì tài xế sẽ không bị xử phạt. Trong trường hợp này, những người trốn tránh đo nồng độ cồn có bị phạt hình sự không?", anh Thuận hỏi.
Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, suy nghĩ "bỏ chạy để không có kết quả đo nồng độ cồn thì CSGT không có căn cứ xử phạt" là không đúng.
Ngược lại người điều khiển phương tiện giao thông bỏ lại xe, để chạy trốn còn bị xử phạt mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất.
"Bởi, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định chế tài xử phạt với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Theo đó, tất cả hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT để né kiểm tra nồng độ cồn đều bị xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe và bị tạm giữ phương tiện", ông Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, mức phạt hành chính sẽ tùy thuộc vào phương tiện người điều khiển. Đối với người điều khiển ô tô thì mức phạt cao nhất có thể đến 40 triệu đồng, đối với xe máy là 8 triệu đồng.
Cụ thể, khi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.
"Luật sư Bình khuyến cáo, người tham gia giao thông hãy chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.
"Nếu chấp hành mức phạt sẽ theo mức vi phạm, nhưng nếu không chấp hành thì mức phạt sẽ tương đương với mức phạt cao nhất, kịch khung của vi phạm nồng độ cồn", luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Không những vậy, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu cố tình không chấp hành, cản trở lực lượng CSGT đo nồng độ cồn thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015.
"Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm: Có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
"Hiện nay, vi phạm nồng độ cồn chỉ xử lý hành chính, chính vì vậy, nếu trót uống rượu bia tham gia giao thông thì lái xe nên chấp hành việc kiểm tra của lực lượng chức năng, tuyệt đối không được trốn tránh, đặc biệt là chống đối người thi hành công vụ để tránh gặp rắc rối về vấn đề pháp lý", luật sư Diệp Năng Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận