Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định xăng dầu nhằm thay thế các Nghị định trước đó là Nghị định 85, Nghị định 95, Nghị định 80.
Tâm điểm được dư luận quan tâm là: Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua hàng của nhau mà chỉ được mua hàng từ thương nhân đầu mối.
Cả nước có gần 280 thương nhân phân phối xăng dầu, trong khi đó số thương nhân đầu mối là 34.
Thương nhân phân phối từ làm chủ thành làm thuê cho đầu mối?
Nguyên nhân cấm, cơ quan soạn thảo lập luận là "việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường.
Song, lo lắng này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hiến kế thực hiện.
VCCI lập luận, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối. Thêm vào đó, dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 9.5 về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu.
Như vậy, vấn đề dữ liệu tình hình dự trữ xăng dầu đã được xử lý.
Lý do thứ 2 được cơ quan soạn thảo nêu ra là "Việc mua bán xăng dầu giữa nhiều thương nhân phân phối xăng dầu với nhau đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an chỉ ra trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, cụ thể là tạo ra tầng nấc trung gian, là một nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp, gây gián đoạn việc bán lẻ xăng dầu trên thị trường".
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đặt vấn đề, cần giải thích rõ việc thương nhân đầu mối và phân phối đều được nhắc trong kết luận thanh tra, nhưng vì sao chỉ mỗi thương nhân phân phối lại không được mua bán lẫn nhau trong dự thảo mới, còn thương nhân đầu mối vẫn được mua hàng của nhau.
Đại diện VCCI cũng cho rằng cần xem xét lại, bởi chúng ta sửa nghị định theo hướng tiến tới thị trường hóa nhưng thực tế lại đang làm theo cách "không quản được thì cấm".
Nhóm các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu, trong đơn "kêu cứu" lên Thủ tướng có nói rằng, không cho họ lấy hàng của nhau vô hình trung biến các doanh nghiệp còn lại là rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối.
Cho rằng thương nhân phân phối không chỉ làm vai trò phân phối hàng đến đại lý của mình, mà họ còn góp phần điều phối nguồn cung xăng dầu cho thị trường, nhóm thương nhân nêu dẫn chứng diễn biến đứt gãy nguồn cung năm 2022 khiến tình trạng cây xăng đóng cửa lan rộng trên cả nước gây khó khăn cho người dân. Nguyên nhân là do nguồn hàng khan, các thương nhân đầu mối ưu tiên cấp hàng cho hệ thống của họ mà "bỏ rơi" hệ thống của thương nhân phân phối.
Lúc đó, nhờ được mua hàng của nhau nên các thương nhân phân phối đã nhanh chóng hỗ trợ nhau về nguồn hàng, kịp cung ứng cho các cây xăng hệ thống khác.
Bộ Công an khi góp ý kiến cho dự thảo cũng lưu ý trường hợp bất thường như tình huống nhà máy lọc dầu trong nước gặp sự cố, sẽ có trường hợp thương nhân không đáp ứng kịp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ thì giải quyết thế nào?!.
Vi phạm nhiều luật?
Đại diện Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Bộ Công thương xem xét lại quy định không cho thương nhân phân phối mua hàng của nhau bởi có thể vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018, với quy định "Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Đây cũng là ý kiến góp ý từ đại diện VCCI. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, chống gian lận chúng ta phải "chọn đúng thuốc" và thuốc ở đây không phải là quy định "chỉ được làm cái này", bởi lẽ đây là một bó buộc trong vấn đề thị trường.
"Vì thế, việc cấm thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, theo chúng tôi đang vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh", ông Tuấn nói và cho rằng, chúng ta muốn khẳng định nền kinh tế thị trường, thì doanh nghiệp cần được quyền tự chủ và tự do kinh doanh.
Đại diện VCCI cũng nêu quan điểm, doanh nghiệp hết hàng, vay mượn hay mua bán của nhau là điều bình thường, vì sao lại cấm. Họ còn có thể hùn nhau lại để mua chung một tàu hàng để cấp cho hệ thống của mình nếu có lợi nhuận…
"Lo ngại tăng giá bán, theo tôi người tiêu dùng đủ khôn ngoan, thị trường đủ sức mạnh để lựa chọn. Nên đừng lo hộ thị trường…
Còn lo ngại thương nhân phân phối nâng khống sản lượng để vay vốn ngân hàng, chúng tôi cho rằng điều này thuộc thẩm định khoản vay từ ngân hàng thương mại, bởi thậm chí doanh nghiệp còn có thể vay tín chấp… Thế nên đây không phải bản chất để đưa ra giải pháp rất mạnh là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Cấm quyền của doanh nghiệp là điều tối kị", ông Tuấn phân tích.
Luật Cạnh tranh 2024 nêu rõ, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85 thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua trên thị trường có 1 doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần là Petrolimex, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.
Ngoài ra, 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, nếu dự thảo không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau thì cần cụ thể hóa thêm những điều kiện trong nghị định để tránh tình trạng "chèn ép" lẫn nhau trong kinh doanh.
Cụ thể, quy định một cơ chế liên kết, kết nối chặt chẽ, kiểm soát được lẫn nhau thông qua hợp đồng, qua cam kết, có đăng ký hệ thống cung ứng với trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo nguồn, chia sẻ chi phí kinh doanh, chiết khấu với nhau…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận