Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định như vậy khi tham gia cuộc tọa đàm về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện.
Tại chương trình này, Bộ GTVT được nhìn nhận là một nhân tố điển hình trong việc thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Bộ trưởng sẵn sàng tiếp nhân viên để gỡ vướng
Trong số 99 DNNN đã CPH, Bộ GTVT đóng góp tới 44 DN. Vậy, đâu là những yếu tố dẫn đến việc CPH thành công của nhiều DNNN trong lĩnh vực GTVT?
Bộ GTVT đã rất quyết liệt thực hiện CPH các doanh nghiệp. Để làm được điều này theo tôi có mấy yếu tố:
Đầu tiên, đó là nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng và Chính phủ trong toàn ngành. Đặc biệt các doanh nghiệp và người lao động đã xác định được đấy là con đường đúng đắn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, trong công tác chỉ đạo phải hết sức quyết liệt. Bộ đã phân công trách nhiệm cho từng Thứ trưởng theo dõi, đôn đốc CPH. Các Thứ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không đạt được kết quả. Tiếp đến là trách nhiệm của những người đứng đầu doanh nghiệp như Chủ tịch - Tổng giám đốc. Người đứng đầu các doanh nghiệp nếu không thực hiện được mục tiêu sẽ bị điều động, luân chuyển sang làm công việc khác phù hợp hơn.
Bộ GTVT cũng phối hợp tốt với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính để giải quyết nhiều thủ tục và tháo gỡ các cơ chế. Dù là Bộ trưởng hay Thứ trưởng, khi có vướng mắc, chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện, làm việc trực tiếp với các nhân viên của các đơn vị để giải quyết, không nề hà, câu nệ thứ bậc.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc CPH DNNN bị chậm. Với kinh nghiệm của Bộ GTVT, theo Bộ trưởng việc thực hiện CPH các DNNN có quá khó như nhiều người nghĩ?
Theo tôi thì không thể viện lý do việc khó mà không làm. Cái quan trọng là phải có quyết tâm chính trị của chính ngành đó và sự quyết liệt của những người đứng đầu. Bên cạnh đó là sự đồng thuận của cán bộ, CNVC để thực hiện cho được mục tiêu đặt ra.
10 bệnh viện của ngành GTVT sẽ được CPH với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ |
“Tôi chưa cách chức ai”
Bộ trưởng đã từng cho thôi chức người đứng đầu một số dự án giao thông lớn để chậm tiến độ. Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình cũng như cách xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng chậm tiến độ CPH và tái cơ cấu DNNN?
Báo chí nói rằng tôi “trảm tướng” nhưng thực tế tôi chưa cách chức ai. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi sẽ điều chuyển đi nơi khác. Đây không phải là quyết định của riêng Bộ trưởng hay Thứ trưởng mà là của cả một tập thể và theo đúng các qui trình về quản lý cán bộ. Chúng tôi đã nói rõ mục tiêu đề ra và thống nhất cách làm nên cứ thế áp dụng thôi. Không ai có thể có ý kiến này kia nữa. Con tàu đã chuyển động thì không thể cắt toa. Tàu đã đi thì không thể bảo đợi tôi được.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại tỷ lệ nhỏ cổ phần Nhà nước, thậm chí có thể bán hết cổ phần Nhà nước một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, Bộ trưởng nghĩ sao về ý kiến này?
Những DN mà Nhà nước không cần giữ 100% cổ phần thì dứt khoát sẽ thoái vốn. Các DN không giữ cổ phần chi phối thì sẽ bán, thậm chí bán đến còn 0%. Tuy nhiên, việc bán như thế nào thì phải tính toán chứ không phải bán tống bán tháo. Bán thì phải bảo đảm được hiệu quả, thực hiện được mục tiêu thoái vốn. Thực hiện CPH nhưng không để xảy ra thất thoát, lãnh phí, tiêu cực, tham nhũng. Chúng tôi chỉ đạo đối với các DN xây lắp thì để tư nhân làm sẽ tốt hơn. Cho nên theo lộ trình, những DN xây lắp sẽ bán hết. Chỉ có như vậy mới chọn được cổ đông chiến lược. Vì cổ đông chiến lược họ ngại “chơi” với mấy ông Nhà nước lắm. Bảo họ mua đi mà vẫn giữ 51% là họ không “chơi”…
Không khó để CPH SBIC và Vinalines
Chúng tôi được biết, Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị CPH 10 bệnh viện của ngành Giao thông, điều chưa từng có tiền lệ ở các ngành khác. Tại sao lãnh đạo Bộ GTVT lại quyết định CPH các bệnh viện?
Đề xuất này là xuất phát từ việc theo dõi các bệnh viện nước ngoài, kể cả bệnh viện tư nhân ở trong nước họ làm rất tốt. Không có tiêu cực, tham nhũng, phong bì. Vì thế, bệnh viện mà tư nhân làm được thì Nhà nước không cần đầu tư 100%, ngoại trừ những trường hợp cần thực hiện các chính sách an sinh xã hội thì phải tách bạch riêng, còn lại thì nên CPH. Việc này vừa thu hút được vốn ngoài xã hội, tăng sự kiểm soát của cổ đông, nâng cao được chất lượng dịch vụ. Chỉ có CPH thì chất lượng dịch vụ mới được nâng cao và nạn phong bì sẽ biến mất.
Chính phủ đã đặt mục tiêu hoàn thành CPH 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 – 2015. Để thực hiện thành công và có hiệu quả mục tiêu này, theo ông cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gì về cơ chế, chính sách?
Cần có những chế tài cụ thể hơn, cần tạo ra sức ép. Quốc hội tạo ra sức ép với Chính phủ phải đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp và CPH. Chính phủ tạo sức ép với các Bộ. Trường hợp Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ bị Chính phủ nhắc nhở thì đương nhiên bên dưới phải bị liên đới. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế như vậy thì việc CPH doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh. Lâu nay chúng ta không xử lý thì những bộ, địa phương, tập đoàn làm tốt cũng như các đơn vị khác không làm thì không thể có động lực thực hiện.
Bộ trưởng cho biết ý kiến về việc tái cơ cấu và CPH đối với hai doanh nghiệp Vinashin (nay là SBIC) và Vinalines?
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ thì Vinashin đã thực hiện việc CPH và đạt được những kết quả bước đầu. Chúng ta đã giữ được, không để gây ra đổ vỡ dây chuyền, giữ được 70% năng lực và khả năng đóng tàu. Chúng ta sẽ tiếp tục thí điểm CPH, kết thúc thí điểm mô hình Tập đoàn để chuyển sang mô hình Tổng công ty. Thời gian qua, đã thực hiện được phần lớn việc tái cơ cấu nợ cả trong và ngoài nước. Tất cả các khoản nợ phải đến sau năm 2024 mới phải trả. Hiện nay, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) còn lại 8 doanh nghiệp đóng tàu, chiếm đến 70% năng lực đóng tàu cả nước. Hiện, kết quả lao động cũng đã bảo đảm được các chính sách chế độ cho người lao động. Năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị các thủ tục để CPH SBIC vào năm 2015. Tôi tin là sẽ làm được vì hiện nay có rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài như Đan Mạch, Hà Lan quan tâm đến ngành Công nghiệp đóng tàu của mình.
Đối với Vinalines, đã thực hiện việc tái cơ cấu tài chính và đóng tàu. Chính phủ cũng đã chỉ đạo tập trung vào các ngành nghề chính là kinh doanh hàng hải và kinh doanh cảng biển. Đến nay Vinalines cũng cơ bản đạt được những kết quả trong việc tái cơ cấu. Năm nay sẽ chuẩn bị xong để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án CPH để đến quý I/2015 sẽ hoàn thành.
Đối với SBIC và Vinalines, tôi cho rằng không khó để CPH. Và như vậy đến mốc 2015, thì việc tái cơ cấu, sắp xếp, CPH hai Tổng công ty này sẽ đạt mục tiêu đề ra, đúng với kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến Mạnh (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận