Hình ảnh Phạm Công Danh truớc cổng tòa |
Ngày 18/12, phiên xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 tiếp tục với phần tranh luận của các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại tòa, Luật sư Vũ Xuân Nam, bảo vệ cho Ngân hàng CB (trước đây là Đại Tín và VNCB) và liên quan kháng cáo của CB đối với quyết định của HĐXX cấp sơ thẩm buộc CB phải trả cho ông Danh hơn 2.128 tỷ đồng liên quan đến 4.500 tỷ mà ông Danh dùng để tăng vốn điều lệ tại CB... cho rằng: không có chứng từ, tài liệu nào giữa CB và ông Danh, cũng như các cá nhân, tổ chức đứng tên hộ ông Danh về việc khoản góp vốn giữa CB và những cá nhân, tổ chức này là được chuyển hóa thành khoản nợ của CB nếu việc tăng vốn không thành công. Khi nhận vốn góp, CB đã hạch toán 4.500 tỷ đồng vào vốn điều lệ để làm thủ tục tăng vốn, những người góp vốn cũng đã trở thành cổ đông của CB.
LS Nam nêu: Ngoài ra, hồ sơ cho thấy ông Danh thông qua các công ty để ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thực chất là thủ đoạn để ông Danh sử dụng tiền từ 3 ngân hàng theo mục đích riêng của ông Danh, không phải là giao dịch dân sự hợp pháp. Vì giao dịch bảo đảm chỉ bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự hợp pháp, không thể bảo đảm cho hành vi phạm tội, hành vi trái pháp luật nên các giao dịch bảo lãnh của CB cho 29 lượt công ty vay vốn tại 3 ngân hàng là không phát sinh hiệu lực, không có giá trị pháp lý.
Hơn nữa nếu xác định giao dịch góp 4.500 tỷ đồng là một giao dịch dân sự thì khi yêu cầu CB phải hoàn trả cho mình 4.500 tỷ đồng tiền góp vốn, ông Danh phải có đơn yêu cầu gửi và tòa phải xác định tư cách của ông Danh là nguyên đơn dân sự và phải yêu cầu Danh nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu dân sự này. Thực tế là ông Danh không có đơn yêu cầu gửi tòa và không nộp tạm ứng án phí, tòa cũng không xác định tư cách nguyên đơn dân sự của ông Danh. Vậy không có cơ sở để tòa xem xét giải quyết yêu cầu của ông Danh về việc CB phải hoàn trả cho ông Danh 4.500 tỷ đồng.
“Nếu không căn cứ vào sự lưu chuyển của dòng tiền để xem xét trách nhiệm dân sự của các tổ chức, cá nhân có liên quan và chấp nhận các kháng cáo dân sự dựa trên mối quan hệ, hợp đồng phát sinh quyền được nhận tiền của họ, kính đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm buộc 3 ngân hàng hoàn trả cho CB số tiền họ đã thu của CB và xem xét trách nhiệm hoàn trả cho 3 ngân hàng của các tổ chức cá nhân có liên quan”, Luật sư Nam nêu.
Đại diện của CB cho biết đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư Nam.
BIDV cho rằng không có căn cứ thu hồi 1.633 tỷ đồng
Liên quan đến bản án sơ thẩm buộc BIDV trả lại 1.633 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bảo vệ quyền lợi cho BIDV nêu: Bản án sơ thẩm ngày 6/8/2018 tuyên thu hồi của BIDV số tiền hơn 1.633 tỷ đồng. Số tiền này được nhận định có nguồn gốc từ 1.800 tỷ đồng từ các công ty của Phạm Công Danh vay của Sacombank dùng để trả nợ cho 2 khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh tại BIDV.
Tuy nhiên luật sư Thiệp cho rằng: Khoản 1.633 tỷ đồng không thể là vật chứng của vụ án bởi lẽ, nó không phải là “vật” mà chỉ mang ý nghĩa số liệu. Án sơ thẩm cũng xác định, Tập đoàn Thiên Thanh dùng hơn 1.633 tỷ đồng trong số 1.800 tỷ đồng vay từ Sacombank để trả nợ cho BIDV từ ngày 27/4/2012 và số tiền này đã được hòa vào dòng tiền chung của BIVD, không thể tách riêng được.
Do đó, dòng tiền càng không thể là vật chứng của vụ án vì không phù hợp quy định tại Bộ luật TTHS năm 2015. Mặt khác, luật sư cho rằng chỉ khi nào vật chứng được thu thập, bảo quản theo đúng những quy định tại Bộ luật TTHS năm 2015 mới có giá trị pháp lý và được pháp luật tố tụng công nhận để sử dụng là chứng cứ.
“Nếu số tiền đã vay từ 3 ngân hàng được coi là vật chứng thì cần phải làm rõ về đặc điểm của số tiền này để có thể xác định được nó là vật chứng, đồng thời cần làm rõ có việc thu thập vật chứng hay không? và việc thu thập, bảo quản số tiền này như thế nào? có đúng theo quy định tại Điều 88 và Điều 90 Bộ luật TTHS 2015 hay không?”, luật sư Thiệp nêu.
Luật sư cho rằng, nếu xác định đó là vật chứng thì yêu cầu phải đưa số tiền này đi giám định theo đúng quy định để xác định những dấu vết tội phạm nào mà vật chứng chứa đựng. Có như vậy mới được coi là vật chứng và có giá trị pháp lý.
Đại diện BIDV đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư Nguyễn Huy Thiệp, cho rằng án sơ thẩm tuyên thu hồi của ngân hàng này hơn 1.633 tỷ đồng là không có căn cứ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận