Điều tra

Không có căn cứ trì hoãn bàn giao tài sản trúng đấu giá

27/08/2017, 06:56

Suốt 8 năm trời, Phương Trang liên tục gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu đi khắp nơi nhưng không ai giải quyết.

3

Mảnh đất 357 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt vẫn đang được bà Hồng sử dụng để ở và kinh doanh cho thuê

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vì suốt 8 năm chưa được nhận tài sản đấu giá là mảnh đất 357 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt. Đây là mảnh đất được Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Đà Lạt tổ chức THA. Hội đồng thẩm định giá mảnh đất này do ông Nguyễn Long Vân làm chủ tịch.

Công ty trúng đấu giá khốn đốn vì không nhận được tài sản

Theo ông Luân, suốt 8 năm trời, công ty liên tục gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu đi khắp nơi nhưng không ai giải quyết. “Nếu Quốc hội cũng không giải quyết đơn kêu cứu này, chúng tôi không biết kêu cứu đến ai, không còn phương thức nào khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…”, ông Luân nói.

Được biết, từ tháng 3/2009, Công ty Phương Trang Đà Lạt đã thanh toán đầy đủ số tiền là hơn 37,244 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật. Số tiền này, cơ quan THA đã chi trả cho người bị thi hành án bà Phạm Thị Hồng. Sau đó, Công ty Phương Trang Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 357 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay công ty này vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đang là Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo: UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì làm việc với Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao và các cơ quan liên quan để thống nhất biện pháp thi hành án và giao tài sản trúng đấu giá cho Công ty Phương Trang Đà Lạt đúng quy định của pháp luật. Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã cam kết trước Quốc hội về việc giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhưng hơn 3 năm qua, cam kết này vẫn không được thực hiện.

Theo cơ quan THA, nguyên nhân việc chậm giao tài sản là do có nhiều ý kiến khác nhau về việc chấp hành viên Nguyễn Long Vân là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá, thi hành vụ việc trên đang bị khởi tố vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên phải chờ kết quả xử lý vụ án ông Vân. Nếu ông Vân phạm tội thì hủy kết quả bán đấu giá, còn không phạm tội sẽ giao tài sản cho doanh nghiệp trúng đấu giá.

Trong khi đó, vụ án của ông Vân cũng đã kéo dài gần 7 năm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thể kết tội bị cáo. Phía doanh nghiệp trúng đấu giá đã thanh toán tiền từ 8 năm trước vẫn không được giao tài sản, chịu thiệt hại nặng nề phải viết đơn đi kêu cứu khắp nơi. “Chúng tôi đã nộp đủ số tiền sau khi trúng đấu giá là hơn 37,244 tỷ đồng từ tháng 3/2009. Với số tiền này, tính lãi vay của ngân hàng trung bình 13%/năm thì công ty đã bị thiệt hại hơn 38,7 tỷ đồng. Chưa kể thời điểm từ 2009 - 2011 lãi suất có khi lên tới 20%/năm. Số tiền lãi cao nhiều hơn số tiền trúng đấu giá. Việc phải bỏ ra một số tiền lớn từ gần chục năm trước nhưng không được sử dụng tài sản, đồng nghĩa với việc công ty bị phá vỡ kế hoạch kinh doanh, mất đi cơ hội mua những tài sản khác. Chưa kể còn phải bồi thường cho đối tác… thiệt hại vô cùng nặng nề”, ông Luân chia sẻ.

Theo ông Luân, cũng vì lý do này mà hàng trăm lao động trực tiếp, gián tiếp liên quan đến hoạt động công ty bị ảnh hưởng. Kế hoạch phát triển dài hạn về kinh doanh vận tải hành khách của công ty tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận cũng bị ảnh hưởng. Điều này ít nhiều làm ngân sách Nhà nước tại Lâm Đồng thất thu. “Việc này kéo dài quá lâu, không biết đến khi nào và không biết khi đó công ty Phương Trang Đà Lạt có còn tồn tại được nữa hay không…?”, ông Luân bức xúc.

Không thực thi bản án thì còn đâu pháp luật

Về nguyên tắc, khi tài sản đang có tranh chấp, tài sản phải được kê biên và niêm phong lại, không bên nào được sử dụng cho đến khi xử vụ án xong. Thế nhưng bà Hồng là người bị THA đã nhận 37,244 tỷ đồng và sử dụng nhưng hiện nay vẫn không chịu bàn giao tài sản. Khảo sát thực tế tại địa chỉ 357 Phan Đình Phùng, Đà Lạt hiện bà Hồng vẫn đang ở và tiếp tục kinh doanh cho thuê đất, đây là hành vi trục lợi bất hợp pháp.

Qua tìm hiểu được biết, tại phường 2, TP Đà Lạt (nơi bà Hồng sinh sống) còn xuất hiện những lá đơn của bà Hồng được photo nội dung ghi “Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt dùng quyền cướp đoạt tài sản của gia đình tôi”. Chính điều này gây ra không ít hiểu lầm cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Ly, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 2 kể rằng, khi cơ quan chức năng tiến hành kê biên thì người nhà là họ hàng của bà Hồng kéo tới khoảng 65 người để phản đối. Khi thấy đông người tập trung tại địa chỉ này, người dân hiếu kỳ đã tới xem… “Theo tôi là cần thượng tôn pháp luật, phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, giao tài sản cho Công ty Phương Trang Đà Lạt”, ông Ly nói.

Từ năm 2015, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị lên Chính phủ xem xét đề nghị VKSND Tối cao, TAND Tối cao chỉ đạo sớm tiến hành xét xử đối với sai phạm của ông Vân, làm cơ sở cho việc THA. Tại cuộc họp với UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 20/5/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) cũng khẳng định, đây là vụ việc phức tạp đã kéo dài nhiều năm, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan của cơ quan Nhà nước. Nhưng nếu không cưỡng chế bàn giao tài sản được, thì việc thực thi pháp luật không được nghiêm. Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. Vụ việc này ĐBQH đã chất vấn, do vậy cần phải xây dựng giải pháp để thực hiện.

LS. Đỗ Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, Điều 103 Luật THA dân sự nêu rõ, người mua được tài sản bán đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng với tài sản đó. Trong trường hợp người mua đã nộp đủ tiền, kể cả khi bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị huỷ thì cơ quan THA vẫn phải tiếp tục giao tài sản, kể cả việc thực hiện cưỡng chế để giao tài sản. “Luật THA dân sự, Bộ luật Dân sự, các quy định pháp luật có liên quan không có bất cứ quy định nào để cơ quan THA trì hoãn, tạm dừng bàn giao tài sản trúng đấu giá cho Công ty Phương Trang Đà Lạt. Ngay cả khi chấp hành viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về THA thì đây cũng là việc độc lập. Không có quy định nào quy định việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá phải chờ quá trình xử lý sai phạm của chấp hành viên”, LS. Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.