Những ngày qua mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về việc người dân, du khách ùn ùn kéo về Gia Lai khiến các nhà xe "cháy" vé, khách sạn "cháy" phòng, sân bay đông nghẹt.
Thực hư lời đồn thổi "cháy" vé xe ở Gia Lai
Thông tin trên xuất hiện tại trang Facebook cá nhân có tên Trần Sỹ Tuấn. Người này viết thông tin lan truyền các hãng hàng không "cháy" vé máy bay lên Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến cuối tháng 6.
Cũng bài viết trên, cá nhân này nêu các khách sạn, nhà nghỉ tại TP Pleiku, Gia Lai, "cháy" phòng, phải bố trí 5 người ở một phòng. Nhiều du khách phải lót bạt, dựng mùng ngoài bãi đất để nghỉ qua đêm. Còn tại các nhà hàng, quán ăn "cháy" bàn, không còn nhận đặt chỗ…
Để xác minh thông tin này, PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai. Ông Dũng cho biết, các thông tin này không chính xác.
Qua giám sát tại sở cho thấy các nhà xe không tăng tần suất chuyến trên toàn quốc. Lượng khách đến và đi tại Gia Lai cũng không có sự đột biến như các trang mạng xã hội nêu.
Còn tại Cảng hàng không Pleiku, mỗi ngày có 6 chuyến đi và 6 chuyến đến (Tân Sơn Nhất và Nội Bài). Trung bình khoảng 140 hành khách một chuyến. "Lượng hành khách bình thường. Hoàn toàn không có chuyện "cháy" vé, sân bay đông nghẹt vì khách tăng đột biến.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai, cho hay ghi nhận tuần qua hoạt động khai thác của các hãng xe đến Gia Lai diễn ra bình thường.
Những ngày trong tuần xe đi về các thành phố lớn miền Trung, miền Nam, TP.HCM vẫn có tình trạng trống ghế. Riêng những ngày cuối tuần vốn là cao điểm vận chuyển hành khách nên các hãng cơ bản lấp đầy ghế.
Theo ông Hải, các thông tin trên mạng đồn thổi về việc nhà xe tại Gia Lai quá tải là không đúng thực tế.
Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, qua nắm bắt thông tin các cơ sở lưu trú, khách sạn tại TP Pleiku tuần qua ghi nhận lượng khách rất thấp.
Cụ thể, công suất buồng, phòng bình quân các khách sạn chỉ khoảng 30-40%, thấp hơn nhiều so với mức cao điểm mùa du lịch. Chỉ có một vài khách sạn chuyên đón khách đoàn, khách du lịch có tỉ lệ lấp đầy ở mức 70-80%.
Ngoài ra, tình hình hoạt động các nhà hàng, quán ăn vẫn như ngày thường, chưa ghi nhận tình trạng "cháy" bàn do khách đến quá đông.
Chỉ một vài người dân tìm đến Gia Lai
Sáng 16/6, phóng viên Báo Giao thông có mặt tại xã Ia Tô (huyện Ia Grai) ghi nhận thông tin về việc người dân đổ về thôn 6, thôn 7 của xã này.
Tuy nhiên, không có hình ảnh xe cộ đông nghẹt, người chen nhau tìm vào một căn nhà ở xã Ia Tô.
Chỉ một số ô tô biển ngoại tỉnh như: BKS 51, 77, 54, 60... Một vài nhóm người dân giới thiệu đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai.
Đa số người đến đây là phụ nữ. Trang phục chủ yếu là màu nâu, xanh da trời. Trên trang phục có in hình hoa sen, chữ Vạn, bánh xe pháp, đều là hình biểu tượng của Phật giáo.
Một số người còn trong trang phục cách điệu mẫu áo thun, mũ, đồ bộ... được thiết kế theo mẫu áo cà sa của nhà sư khất thực.
Còn tại một quán cà phê ở trung tâm huyện Ia Grai (Gia Lai), tiếp xúc với PV, một nhóm Phật tử khoảng 7 người gồm 2 nam và 5 nữ cho biết đến từ TP.HCM.
Nhóm người này cho hay, đã sử dụng ô tô gia đình đến Gia Lai được 5 ngày. "Chúng tôi xác định ở lại đây thêm nhiều ngày nữa. Khi nào gặp được người cần gặp thì chúng tôi mới về.
"Tối qua, tôi đã đến căn chòi rẫy ở thôn 7, xã Ia Tô (Ia Grai) để ngủ lại. Tuy nhiên, mùa mưa nên hơi nhiều muỗi", một người đàn ông giọng miền Trung nói.
Xe taxi, xe ngoại tỉnh đến Gia Lai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận