Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trao đổi với Báo Giao thông xung quanh các vướng mắc và những vấn đề liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án thu phí tự động không dừng...
Xây dựng phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân
Dư luận lo ngại dự án thu phí không dừng triển khai chậm, khó hoàn thành đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng. Thứ trưởng có thể cho biết tiến độ cụ thể của dự án đến thời điểm này thế nào?
26 trạm thuộc giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, hiện đã vận hành thương mại được 23 trạm, 1 trạm đã vận hành thử nghiệm, đã lắp đặt, chưa vận hành do trạm chưa thu phí 1 trạm (trạm Cai Lậy), 1 trạm chưa triển khai do đang dừng thu. Trong số 18 trạm bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 2 trạm, đang chạy thử nghiệm 1 trạm, 15 trạm còn lại sẽ triển khai trong năm 2019.
Như vậy, tiến độ triển khai dự án giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2017.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc bao gồm 33 trạm. Thực hiện theo Nghị định số 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và Nghị định số 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức sơ tuyển quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, có 4 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Hiện, Tổng cục Đường bộ VN đang tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Các trạm này theo tiến độ được duyệt sẽ hoàn thành trước 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Vậy đến nay, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án là gì, thưa Thứ trưởng?
Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ. Đến nay mới có khoảng trên 700 nghìn phương tiện trong tổng số trên 3 triệu ô tô trong cả nước dán thẻ Etag.
Dù công tác tuyên truyền đã được thực hiện, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể như: Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tài khoản giao thông, việc nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng.
Có ý kiến cho rằng, tài khoản giao thông hiện chưa có cơ sở pháp lý nên các ngân hàng gặp khó khăn khi triển khai, Thứ trưởng giải thích thế nào về điều này?
Theo quy định tại Quyết định số 07, tài khoản giao thông được định nghĩa là tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tài khoản này được chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Như vậy, tài khoản giao thông có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vướng mắc chính liên quan đến việc thanh toán qua tài khoản giao thông không phải là cơ sở pháp lý mà là sự chưa thuận tiện cho người sử dụng trong việc nạp tiền, quản lý số tiền trong tài khoản khi nó chưa kết nối với các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, tạo thuận tiện cho người sử dụng, hiện Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cung cấp tín dụng xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ. Đây là vấn đề mới, nên gặp phải vướng mắc về mô hình, tính pháp lý phải vừa làm vừa hoàn thiện.
Không độc quyền
Dư luận thời gian qua đặt câu hỏi, tại sao Bộ GTVT lại ký hợp đồng chỉ với 1 nhà đầu tư (Công ty VETC)? Phải chăng vì tạo độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động, khiến các nhà đầu tư BOT giao thông, ngân hàng không đồng thuận?
Theo Quyết định số 07/2017, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập dự án đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng, lựa chọn các nhà đầu tư (nhà cung cấp dịch vụ) để thực hiện theo quy định.
Đối với dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng trình tự tuân thủ quy định pháp luật. Dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chỉ định nhà đầu tư, nhưng Bộ GTVT vẫn công bố danh mục dự án trên trang thông tin điện tử đấu thầu của Bộ KH&ĐT và trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Tuy nhiên, quá thời hạn đăng danh mục 6 tháng chỉ có liên danh Tasco-VETC đăng ký thực hiện, không có bất kỳ nhà đầu tư nào khác đăng ký tham gia. Bởi vậy Bộ GTVT đã tiến hành lựa chọn nhà đầu tư là Liên danh Tasco-VETC theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 675/2015 và quy định pháp luật tại Nghị định 108 và pháp luật có liên quan (trong vòng 6 tháng kể từ ngày công bố danh mục dự án đầu tư đến thời điểm phê duyệt nhà đầu tư, chỉ có nhà đầu tư là Liên danh Tasco-VETC đăng ký tham gia đầu tư dự án.
Đối với dự án giai đoạn 2, như đã nói ở trên hiện Tổng cục Đường bộ VN đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. Như vậy, việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được thực hiện đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không có sự độc quyền trong quá trình thực hiện.
Cũng có ý kiến cho rằng, phải để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp thẻ đầu cuối (thẻ Etag), giữ vai trò trung gian thanh toán, để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia cung cấp thiết bị và dịch vụ thu phí tự động không dừng kết nối với trung tâm dữ liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng sau đó kết nối trực tiếp với nhau. Quan điểm của Bộ GTVT như thế nào?
Thu phí không dừng chỉ là một trong nhiều hình thức để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát nhằm công khai, minh bạch thu phí. Điều quan trọng phải kết hợp các giải pháp khác, Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng hệ thống kiểm soát độc lập các trạm thu phí và dữ liệu từ các trạm thu phí sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ VN kiểm soát. Qua dữ liệu này, Tổng cục Đường bộ VN sẽ kiểm soát được lưu lượng phương tiện, chủng loại phương tiện qua trạm thu phí hàng ngày, thậm chí từng phút. Hệ thống này, ngoài Tổng cục Đường bộ VN tiếp cận được dữ liệu còn có thể chia sẻ với cơ quan thuế, các ngân hàng cho vay vốn, các nhà đầu tư để cùng giám sát.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ
Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng, tư vấn đã đưa ra nhiều phương án để so sánh, lựa chọn.
Phương án thứ nhất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư hệ thống trung tâm dữ liệu (có vai trò phát hành thẻ đầu cuối), các nhà đầu tư BOT sẽ đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm để kết nối. Tuy nhiên, phương án này Nhà nước đầu tư trung tâm dữ liệu (tiêu tốn khoảng 1.500 - 2.500 tỷ đồng), đồng thời phải có 1 bộ phận nhân sự không nhỏ để điều hành, quản lý, giám sát, đối soát doanh thu giữa các trạm thu phí. Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy việc bố trí vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách khó khăn, đồng thời thành lập 1 đơn vị để quản lý, vận hành hệ thống là không khả thi.
Phương án thứ hai, các nhà đầu tư BOT tự đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (cả thiết bị tại trạm và trung tâm dữ liệu) sau đó kết nối với nhau. Phương án này có nhược điểm các dự án BOT sẽ phải đầu tư trung tâm dữ liệu với chi phí rất lớn, có thể dẫn đến phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT, lãng phí nguồn lực xã hội; Đồng thời, nếu triển khai phương án này rất khó để kết nối liên thông giữa các trung tâm của các nhà đầu tư BOT có thể dẫn đến người sử dụng 1 thẻ Etag không thể đi qua toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc.
Phương án ba, một hoặc hai đơn vị cung cấp dịch vụ (cả thiết bị tại trạm và trung tâm dữ liệu bằng nguồn vốn xã hội hóa). Đây là phương án phù hợp nhất vì cơ bản khắc phục được những nhược điểm tồn tại của phương án kể trên.
Về sự chưa đồng thuận của các ngân hàng và nhà đầu tư BOT, như đã nêu ở trên, trong thời gian đầu mới triển khai, dự án còn gặp nhiều khó khăn do áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể (nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ) nên để triển khai hệ thống cần có sự đồng thuận của tất cả các chủ thể, phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ bản tất cả các nhà đầu tư BOT và các ngân hàng cung cấp tín dụng đã đồng thuận, ủng hộ chủ trương thực việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Về tổng thể, Bộ GTVT sẽ triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo dự án hoàn thành đúng lộ trình như Thủ tướng đã chỉ đạo?
Bên cạnh việc điều chỉnh chi phí tổ chức thu để đảm bảo tính hiệu quả của dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý như sửa đổi Quyết định 07/2017, sửa đổi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó sẽ điều chỉnh quy định các phương tiện không dán thẻ sẽ không được đi vào làn ETC, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến công tác thanh toán. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Đồng thời, hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng và sự đồng thuận của các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án BOT.
Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị khuyến khích các phương tiện thuộc diện thu phí đường bộ phải tham gia dán thẻ và sử dụng dịch vụ; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương gương mẫu dán thẻ và sử dụng dịch vụ đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện nộp phí khi qua trạm thu phí đường bộ do mình quản lý.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận